Đài BBC (Anh) đánh giá Hong Kong từng là hình mẫu của việc kiểm soát thành công dịch COVID-19 trong 2 năm qua. Vào cuối năm 2021, Hong Kong với 7,5 triệu người chỉ ghi nhận 12.650 trường hợp mắc COVID-19 và 220 người tử vong.
Thành công này được cho xuất phát từ việc chính quyền Hong Kong tuân thủ chiến lược “Zero COVID” của Bắc Kinh với xét nghiệm sớm, truy vết các tiếp xúc gần với người mắc COVID-19, cách ly chặt chẽ và hạn chế di chuyển.
Nhưng khi biến thể Omicron ập tới, số ca mắc mới COVID-19 tại Hong Kong đã tăng vọt lên 66.000 trường hợp chỉ trong vài tháng.
Trường hợp mắc biến thể Omicron đầu tiên được ghi nhận tại Hong Kong là hai tiếp viên hàng không của hãng Cathay Pacific đã vi phạm quy định phòng chống COVID-19 tại đặc khu hành chính này vào cuối tháng 12. Sau đó, một ổ dịch bùng phát tại khách sạn dành cho người cách ly.
Đại học Hong Kong dự đoán đặc khu hành chính đến giữa hoặc cuối tháng 3 sẽ đối mặt với mức đỉnh trên 180.000 ca mắc mới mỗi ngày nếu các biện pháp giãn cách xã hội hiện nay vẫn được duy trì.
Hầu hết các trường hợp mắc Omicron có triệu chứng ít nghiêm trọng hơn các biến thể trước đó, điều này đồng nghĩa với việc người mắc có thể tự hồi phục trong vài ngày. Nhưng giới chức Hong Kong vẫn giữ quan điểm người dương tính với virus SARS-CoV-2 không có triệu chứng hoặc thể nhẹ vẫn phải đến các cơ sở cách ly. Chính quyền Hong Kong cũng không công bố hướng dẫn chi tiết và rõ ràng về việc cách ly tại nhà.
Giáo sư Gabriel Leung tại Đại học Hong Kong nhận định: “Chúng ta cần nhận ra rằng hệ thống y tế có thể tự sụp đổ bởi chính sức nặng đang gánh chịu”. Chuyên gia virus Siddharth Sridhar tại Đại học Hong Kong đánh giá “câu chuyện sống chung với COVID không hề có tại Hong Kong và hiện nay mọi người đều hoảng loạn”.
Ông cho rằng nếu Hong Kong không thay đổi chính sách thì chính quyền đặc khu này nên cải thiện hỗ trợ người mắc COVID-19 tự cách ly tại nhà, đảm bảo họ có thể tiếp cận nhu yếu phẩm, dụng cụ xét nghiệm nhanh và thuốc cơ bản.
Một vấn đề nổi cộm khác là tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 khá thấp ở người cao tuổi. Có đến 76,2% người trên 11 tuổi đã tiêm đủ liều vaccine nhưng chưa đầy 1/3 người thuộc nhóm trên 80 tuổi đã tiêm 2 liều. Trong khi đó, có đến 1,27 triệu người dân Hong Kong thuộc nhóm trên 65 tuổi.
Trong nghiên cứu do Đại học Thành phố Hong Kong thực hiện vào tháng 5/2021, Hong Kong là nơi có tỷ lệ chấp nhận vaccine thấp nhất so với Singapore, Anh và Mỹ. Ngoài ra, người dân Hong Kong lại có tỷ lệ tin vào các thuyết âm mưu xoay quanh vaccine COVID-19.
Trong nhiều tháng, chính quyền Hong Kong cũng không có nhiều động thái khuyến khích người dân tiêm vaccine COVID-19 và không có sự khác biệt trong đối xử giữa người tiêm và không tiêm vaccine.
Hong Kong gần đây mới triển khai “hộ chiếu vaccine” cho phép người đã tiêm vaccine COVID-19 đến những địa điểm như nhà hàng, trung tâm mua sắm.
Chính quyền Hong Kong vào ngày 22/2 cũng công bố kế hoạch bắt buộc xét nghiệm COVID-19 với toàn bộ dân số từ tháng 3. Theo đó, mỗi người dân đặc khu hành chính cần phải trải qua 3 vòng xét nghiệm. Trường học và nhiều cơ sở kinh doanh tại Hong Kong vẫn sẽ đóng cửa cho đến cuối tháng 4.