Hơn 170 người đã thiệt mạng và gần 580.000 người phải sơ tán do mưa lũ tàn phá bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil, hồi tháng 5 vừa qua. Chính quyền địa phương mô tả đây là thảm họa tồi tệ nhất từ trước đến nay tại khu vực này. Theo các chuyên gia thuộc World Weather Attribution (WWA), tổ chức hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các đợt mưa lớn nhấn chìm toàn bộ các thị trấn và phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng là hiện tượng "cực kỳ hiếm" chỉ xảy ra từ 100-250 năm một lần. Thậm chí, hiện tượng thời tiết này còn ít khi xảy ra hơn nữa nếu không có tác động của hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch. Bằng cách kết hợp kết quả quan trắc thời tiết và các mô hình khí hậu, các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu có nguy cơ khiến hiện tượng thiên tai như đã xảy ra tại miền Nam Brazil tăng gấp đôi và mức độ tàn phá dữ dội hơn khoảng 6-9%.
Nhà nghiên cứu Lincoln Alves thuộc Viện Nghiên cứu Không gian quốc gia (INPE) Brazil nhận định thời tiết ở quốc gia Nam Mỹ này đã thay đổi. Nghiên cứu cho thấy các hoạt động của con người đã góp phần khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên thường xuyên hơn. Theo các nhà khoa học, hiện tượng El Nino, thường làm tăng nhiệt độ ở nhiều nơi trên thế giới và gây mưa nhiều dẫn đến tăng nguy cơ lũ lụt ở nhiều khu vực tại châu Mỹ, cũng góp phần gây ra thảm họa thiên tai gần đây. Nghiên cứu ước tính hiện tượng El Nino làm tăng khả năng xảy ra thảm họa thiên tai từ 2-5 lần, đồng thời khiến lượng mưa tăng từ 3-10%.
Các nhà khoa học cho rằng nạn phá rừng và quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở các thành phố như thành phố thủ phủ Porto Alegre của bang Rio Grande do Sul, nơi có 1,3 triệu dân, cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng thảm họa thiên tai. Nhà nghiên cứu Regina Rodrigues thuộc Đại học Liên bang Santa Catarina cho rằng cần phải bảo trì tốt cơ sở hạ tầng chống lũ lụt và quy hoạch đô thị phù hợp để giảm thiểu tác động của các hiện tượng cực đoan như vậy.