Nguyên nhân sâu xa khiến ECB chưa muốn cắt giảm lãi suất

Trang money.it vừa đăng bài viết của chuyên gia chính trị quốc tế Violetta Silvestri từng làm việc cho Liên hiệp quốc (LHQ), nhận định về lý do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không có kế hoạch cắt giảm lãi suất thời gian tới và điều gì có thể xảy ra đối với EU. 

Chú thích ảnh
Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt am Main, Đức. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Tác giả lý giải Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos đã xác nhận trong một cuộc phỏng vấn với thời báo Financial Times rằng ECB chưa có ý định cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, mặc dù "lục địa già" nhiều khả năng bị suy thoái kinh tế trong quý III/2023.

Ngày 14/9, ECB đã tăng 0,25 điểm phần trăm của 3 loại lãi suất chính, gồm lãi suất tái cấp vốn lên 4,25%, lãi suất tiền gửi lên 4% và lãi suất cho vay lên 4,5% - các mức cao nhất kể từ khi đồng euro ra đời vào năm 1999. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng của Khu vực đồng euro ( Eurozone) đang u ám hơn. Hầu hết các nhà kinh tế tin rằng nền kinh tế của khu vực có thể sẽ suy thoái trong quý III/2023, góp phần làm giảm áp lực giá cả, khiến ECB khó có thể tăng lãi suất thêm nữa.

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu đã phải chịu đợt bán tháo mạnh vào tuần trước, đẩy chi phí đi vay của các chính phủ lên mức cao kỷ lục, kể từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu xảy ra hơn một thập kỷ trước, khi các nhà đầu tư lo ngại về dấu hiệu từ các ngân hàng trung ương rằng họ sẽ giữ lãi suất cao trong thời gian dài, trước khi tiến hành cắt giảm lãi suất. Hiện tại hành động giảm chi phí tài chính dường như không xảy ra, mặc dù vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn về việc liệu chính sách tiền tệ tích cực của ECB sẽ tác động như thế nào đến lạm phát cũng như tình hình tài chính chung và của các gia đình. 

Điều gì sẽ xảy ra

Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times, Phó Chủ tịch Luis de Guindos đã bác bỏ mọi khả năng ECB sẽ cắt giảm lãi suất. Ông khẳng định còn "quá sớm" để hành động và cảnh báo những trở ngại trong việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% sẽ khó vượt qua, đặc biệt là khi ECB đang tiến gần đến nỗ lực quyết liệt cuối cùng của chính sách tiền tệ.

Lý giải cho ý định mạnh mẽ của ECB, ông de Guindos cho biết có những lý do rất khác nhau, đồng thời kêu gọi các thị trường cần thận trọng hơn. Đầu tiên, việc giá dầu tăng liên tục trong thời gian gần đây, lên mức cao nhất trong 10 tháng, là một trở ngại. Theo ông Guindos, ECB đang hướng tới mục tiêu lãi suất 2%. Đây là điều rõ ràng. Tuy nhiên, ECB phải theo dõi tình hình thật chặt chẽ, vì chặng đường cuối cùng sẽ không hề dễ dàng, những yếu tố có thể làm tan biến quá trình giảm phát là rất mạnh mẽ.

Cùng với giá dầu, mức lương tăng nhanh và đồng euro yếu hơn, đi kèm với đó là nhu cầu dịch vụ ổn định cũng có thể khiến lạm phát duy trì ở mức cao.

Một yếu tố khác khiến giá cả giữ ở mức cao là sự gia tăng chi tiêu công. Tuần trước, hai quốc gia châu Âu thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) là Italy (I-ta-li-a) và Pháp đã vạch ra kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách lớn hơn dự kiến và vượt quá quy định của EU về giới hạn mức thâm hụt ở mức tương đương 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Kế hoạch này vốn đã bị tạm dừng do đại dịch COVID-19 nhưng dự kiến sẽ có hiệu lực trở lại vào năm tới.

Phó Chủ tịch de Guindos cho biết,: “sau bốn năm không có các quy định tài khóa, các chính phủ có thể đã quen với cách tiếp cận chính sách tài khóa bằng mọi cách. Tuy nhiên điều này phải thay đổi. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng thời, chính sách tài khóa mở rộng sẽ là một sự kết hợp tồi tệ”. Một loạt yếu tố và rủi ro hiện nay đòi hỏi sự thận trọng tối đa ở Frankfurt, loại bỏ mọi khả năng cắt giảm lãi suất .

Phó chủ tịch ECB nói với Finances Times rằng yếu tố “quan trọng” quyết định bước đi tiếp theo của ECB sẽ là tốc độ truyền tải việc thắt chặt chính sách tiền tệ từ các ngân hàng và thị trường trái phiếu đến người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Những thay đổi trong chính sách tiền tệ thường chỉ có tác dụng đầy đủ đối với lạm phát sau ít nhất một năm, nghĩa là phần lớn tác động của việc thắt chặt vẫn có thể xảy ra. Nhưng nếu việc truyền tải chính sách diễn ra nhanh chóng và lạm phát vẫn ở mức cao, ông de Guindos cho rằng ngân hàng có thể cần phải thực hiện thêm các biện pháp điều chỉnh lãi suất.

Trong tháng Tám, các khoản cho vay của khu vực tư nhân tại Eurozone đã tăng 0,6%. Đây là tốc độ tăng hàng năm chậm nhất trong tám năm. Đối với Phó Chủ tịch de Guindos, "có nhiều điều không chắc chắn hơn" về việc điều này sẽ được truyền đến các hộ gia đình và doanh nghiệp nhanh như thế nào vì nhiều người đã lựa chọn các gói vay cố định lãi suất thấp trong thời gian dài, bảo vệ họ khỏi tác động của chính sách hạn chế của ECB.

Trong khi đó, lãi suất tăng mạnh đã khiến giá bất động sản ở phần lớn các nước châu Âu giảm, điều mà theo ông Guindos là “nguồn lo ngại chính của ECB về mặt ổn định tài chính” , đặc biệt là ở các tổ chức phi tài chính, ngân hàng, chẳng hạn như quỹ tương hỗ, vào thị trường bất động sản.

Thanh Hải (P/v TTXVN tại Rome)
ECB bảo vệ quyết định tăng lãi suất
ECB bảo vệ quyết định tăng lãi suất

Ngày 25/9, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde thừa nhận những tác động tiêu cực của việc tăng mạnh lãi suất đang đè nặng lên các hộ gia đình, song khẳng định đó là biện pháp duy nhất để kiểm soát lạm phát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN