Nhà khoa học Mỹ phát hiện gien virus SARS-CoV-2 đã bị xoá bí ẩn

Một nhà nghiên cứu người Mỹ cho biết ông đã khôi phục được 13 chuỗi gien của virus SARS-CoV-2 ở những ca mắc COVID-19 đầu tiên ở Vũ Hán, những chuỗi gien này trước đó đã biến mất một cách bí ẩn khỏi cơ sở dữ liệu vào năm ngoái.

Chú thích ảnh
Các bác sĩ tại Bệnh viện Zhongnan thuộc Đại học Vũ Hán thăm khám cho một bệnh nhân mắc COVID-19 vào tháng 1/2020. Ảnh: Tân Hoa xã

Theo thời báo New York, khoảng 1 năm trước, trình tự gien của hơn 200 mẫu virus từ các trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) đã biến mất khỏi cơ sở dữ liệu khoa học trực tuyến.

Giờ đây, bằng cách truy cập vào các tệp dữ liệu được lưu trữ trên Google Cloud, Tiến sĩ Jesse Bloom, nhà virus học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle (Mỹ), cho biết ông đã khôi phục được 13 trình tự gien trong số những ca COVID-19 đầu tiên. Điều này mang lại nhiều thông tin mới có thể xác định thời điểm và cách thức virus lây lan từ dơi hoặc động vật khác sang người.

Phân tích mới được công bố hôm 22/3, củng cố các giả thuyết trước đó cho rằng virus SARS-CoV-2 có thể đã xuất hiện ở Vũ Hán, trước khi xuất hiện các đợt bùng phát đầu tiên liên quan đến động vật và chợ hải sản vào tháng 12/2019. Song, các tác giả nhấn mạnh nghiên cứu này không củng cố hay giảm giá trị giả thuyết cho rằng mầm bệnh rò rỉ từ phòng thí nghiệm nổi tiếng ở Vũ Hán. Nhưng nó đặt ra câu hỏi tại sao các trình tự gien ban đầu lại bị xóa?

Ông Bloom coi việc xoá trình tự gien này là một hành động đáng ngờ. “Có vẻ như các trình tự gien đã bị xóa để che giấu sự tồn tại của chúng,” ông viết trong báo cáo mới.

Trình tự gien di truyền của các mẫu virus nắm giữ những manh mối quan trọng về cách thức lây truyền của virus SARS-CoV-2 từ một loài động vật khác, rất có thể là từ dơi sang người. Trình tự gien của các ca nhiễm đầu tiên còn quý giá hơn rất nhiều, bởi chúng có thể giúp các nhà khoa học tiến gần hơn đến việc phát hiện nguồn gốc dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Chợ hải sản Hoa Nam, thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AP

Khi Tiến sĩ Bloom xem xét dữ liệu di truyền được công bố bởi các nhóm nghiên cứu khác nhau, ông đã quan tâm đến một nghiên cứu vào tháng 3/2020 với một tài liệu bao gồm thông tin về 241 trình tự gien được các nhà khoa học tại Đại học Vũ Hán thu thập. Tài liệu chỉ ra rằng các nhà khoa học đã đăng tải các trình tự gien lên cơ sở dữ liệu trực tuyến có tên là Sequence Read Archive (SRA) do Thư viện Y khoa Quốc gia của Chính phủ Mỹ quản lý.

Nhưng khi Tiến sĩ Bloom tìm kiếm các trình tự gien ở Vũ Hán trong cơ sở dữ liệu vào đầu tháng này, kết quả duy nhất ông nhận được là “không tìm thấy mục nào”.

Vẫn còn băn khoăn, ông quay lại dữ liệu để tìm thêm manh mối. Dữ liệu chỉ ra rằng 241 trình tự gien đã được thu thập bởi một nhà khoa học có tên Aisi Fu tại Bệnh viện Renmin ở Vũ Hán.

Tiếp tục tìm kiếm các tài liệu y khoa, Tiến sĩ Bloom cuối cùng đã tìm thấy một nghiên cứu khác được đăng trực tuyến vào tháng 3/2020 bởi Bác sĩ Fu và các đồng nghiệp, mô tả về một phương pháp xét nghiệm SARS-CoV-2 mới. Các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố nghiên cứu trên một tạp chí khoa học 3 tháng sau đó.

Trong nghiên cứu đó, các nhà khoa học viết rằng họ đã xem xét 45 mẫu dịch mũi được lấy “từ những bệnh nhân ngoại trú nghi ngờ mắc COVID-19 trong thời kỳ đầu của dịch bệnh”. Sau đó, họ phân tích gien của virus SARS-CoV-2 trong các miếng gạc. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã không công bố chúng, thay vào đó, họ chỉ công bố một số đột biến của virus. Một số manh mối đã chỉ ra rằng các mẫu virus này thuộc về 241 trình tự gien đã bị mất.

Sau đó, Tiến sĩ Bloom phát hiện nhiều trình tự gien trong số này được lưu trữ dưới dạng tệp trên Google Cloud. Mỗi trình tự được chứa trong một tệp trên kho lưu trữ, tên các tệp đều có chung một định dạng cơ bản. Dựa trên những dữ liệu trên Google Cloud, ông đã khôi phục được 13 trong 241 trình tự gien đã bị xóa.

Với dữ liệu mới này, ông Bloom đang cố gắng tìm hiểu giai đoạn đầu của đại dịch. Ông đã kết hợp 13 trình tự gien mới khôi phục với các trình tự khác đã được công bố, với hy vọng sẽ đạt được tiến bộ trong việc xây dựng xây phả hệ của SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Viện Virus học Vũ Hán. Ảnh: Reuters

Việc tìm ra tất cả các đột biến của SARS-CoV-2 là một thách thức vì mẫu nghiên cứu rất hạn chế. Một số mẫu được lấy từ chợ Hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, nơi bùng phát dịch bệnh vào tháng 12/2019.

Tuy nhiên, có những đột biến mà những mẫu virus được thu thập vài tuần sau đó không có. Các trình tự gien mà ông Bloom khôi phục cũng không có đột biến này. Nói cách khác, điều này ủng hộ giả thuyết cho rằng trước khi lây lan ở chợ hải sản, virus đã lưu hành một thời gian ở Vũ Hán.

Renate Myles, phát ngôn viên của Viện Y tế Quốc gia cho biết: “Trình tự gien SARS-CoV-2 đã được đăng lên SRA vào tháng 3/2020 và sau đó được một điều tra viên giấu tên yêu cầu gỡ bỏ vào tháng 6/2020”.

Bà Myles cho biết điều tra viên này đã nói với những người quản lý kho lưu trữ SRA rằng các trình tự gien đang được cập nhật và sẽ được thêm vào cơ sở dữ liệu khác. Nhưng Tiến sĩ Bloom đã tìm kiếm mọi cơ sở dữ liệu mà ông biết và vẫn chưa tìm thấy chúng.

“Rõ ràng là tôi không thể loại trừ khả năng các trình tự gien nằm trên một số cơ sở dữ liệu hoặc trang web khác ở đâu đó, nhưng tôi không thể tìm thấy chúng ở bất kỳ vị trí rõ ràng nào mà tôi đã xem,” ông nói.

13 trình tự gien được phát hiện khiến Bloom tự hỏi liệu các nhà khoa học có thể phát hiện thêm manh mối nào khác trên các cơ sở dữ liệu trực tuyến hay không.

 "Chúng ta cần cố gắng tìm kiếm nhiều trình tự gien ban đầu nhất có thể. Tôi nghĩ nghiên cứu này cho thấy chúng ta có thể tìm kiếm ở mọi nơi", ông nói.

Trong khi đó, Michael Worobey, nhà sinh vật học tiến hóa tại Đại học Arizona, người đang tiến hành nghiên cứu lớn về gien của virus SARS-CoV-2 để tìm hiểu nguồn gốc COVID-19 cho biết: "Tôi hy vọng được nghe thông tin từ những người đã tạo ra và sau đó xóa đi những trình tự gien quan trọng này, để chúng tôi có thể hiểu hơn về động thái của họ. Nó thật sự kỳ lạ và cần có một lời giải thích”.

Các nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban đầu cho rằng virus SARS-CoV-2 lây từ động vật sang người tại chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán, nơi ca mắc đầu tiên được phát hiện hồi cuối năm ngoái. Tuy nhiên, các chuyên gia hiện nay cho rằng chợ này có thể không phải nguồn gốc dịch bệnh, mà là nơi virus phát tán. Tháng 2/2020, các nhà khoa học Trung Quốc khẳng định dịch COVID-19 không bắt nguồn từ chợ hải sản Hoa Nam mà là do một "bệnh nhân số 0" đã mang virus tới đây, sau đó khu chợ đông đúc với điều kiện vệ sinh kém này đã trở thành môi trường thuận lợi để virus SARS-CoV-2 lây lan trong cộng đồng.

Ngày 18/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng chỉ trích một số chính trị gia phương Tây hoài nghị tính công bằng của cuộc điều tra do WHO dẫn đầu nhằm truy tìm nguồn gốc virus SARS-CoV-2.

Hải Vân/Báo Tin tức
Mỹ cảnh báo Trung Quốc sẽ bị cô lập nếu không hợp tác điều tra nguồn gốc COVID-19
Mỹ cảnh báo Trung Quốc sẽ bị cô lập nếu không hợp tác điều tra nguồn gốc COVID-19

Quan chức cấp cao của Mỹ mới đây đã cảnh báo Trung Quốc sẽ đối mặt với nguy cơ bị cộng đồng quốc tế cô lập nếu không hợp tác điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN