Theo hãng tin Bloomberg, ông Sikhulile Moyo, nhà khoa học đầu tiên phát hiện ra biến thể Omicron, Giám đốc Phòng thí nghiệm tham chiếu HIV Botswana Harvard, thành viên nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan – cho biết tốc độ tích tụ các dạng đột biến bất thường của biến thể mới này là một điều rất đáng lo ngại.
Ông cho rằng biến thể Omicron không tích tụ đột biến trong một bước duy nhất. Điều này đặt ra câu hỏi biến thể này đã phát triển như thế nào và khả năng lây lan của nó ra sao.
“Chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm hiểu nguyên nhân tại sao có quá nhiều đột biết xuất hiện trong Omicron ở một thời gian ngắn như vậy. Trong khi đó, các đột biến của những biến chủng trước đây – chẳng hạn Alpha, Beta – đều tích tụ theo thời gian”, ông nói.
Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng do nhiều nơi trên thế giới vẫn thiếu năng lực giải trình tự gien của virus SARS-CoV-2, nên rất khó để giải mã cách thức xuất hiện và phát triển ban đầu của biến thể Omicron.
Một trong những giả thuyết được đưa ra cho rằng Omicron đã phát triển ở một người bị tổn thương miễn dịch, khiến người này chứa virus lâu hơn nhiều so với bình thường. Tuy nhiên, ông Moyo cảnh báo rằng vẫn chưa có bằng chứng cho nhận định này.
Một giả thuyết khác đang được xem xét đó là Omicron có thể đã được truyền từ người sang một vật chủ là động vật. Mầm bệnh thích nghi với vật chủ đó tương đối nhanh chóng và sau đó truyền ngược lại cho con người.
Ngày 11/11, ông Moyo là người đầu tiên giải trình tự gien của Omicron, được lấy từ mẫu bệnh phẩm của các nhà ngoại giao Nam Phi đã từng tới Botswana. Khi đó, biến thể này được cho là khá giống B.1.1.263, biến chủng lần đầu được phát hiện vào đầu tháng 4/2020 ở Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất.
Tuy nhiên, khi phân tích kỹ lưỡng B.1.1.263, ông nhận thấy chủng này có ít đột biến hơn và loại trừ khả năng Omicron với B.1.1.263 giống nhau. Sau khi phân tích thêm thông tin từ bộ phận y tế của Botswana về những người đã được lấy mẫu dương tính, Moyo và nhóm của ông đã gửi kết quả của họ lên cơ sở dữ liệu quốc tế vào ngày 23/11. Vài giờ sau, một nhóm nghiên cứu ở Nam Phi cũng báo cáo phát hiện tương tự.
Với số lượng đột biến của Omicron, ông Moyo ban đầu nghĩ rằng đây sẽ là một loại virus yếu. Tuy nhiên, sau đó ông phát hiện ra nó dường như có thể nhân lên nhanh chóng và lẩn tránh các bộ phận của hệ miễn dịch, gây ra nguy cơ tái nhiễm cao hơn.
Tại Nam Phi, số ca mắc COVID-19 hàng ngày đã tăng gần gấp 4 lần chỉ trong vài ngày, khi biến thể Omicron lây lan khắp đất nước. Theo số liệu của Bộ Y tế Nam Phi, số ca mắc mới COVID-19 trên toàn quốc trong những ngày vừa qua tăng nhanh từ 4.373 ca ngày 30/11 lên 8.561 ca ngày 1/12, 11.535 ca ngày 2/12, 16.055 ca ngày 3/12 và 16.366 ca ngày 4/12. Điều này cho thấy biến thể mới có mức độ lây lan rất nhanh.
“Chúng tôi hy vọng rằng từ phát hiện này, các nhà khoa học trên khắp thế giới sẽ xem xét lại các mẫu bệnh phẩm cũ của họ. Một số nhà khoa học đã làm điều đó và phát hiện ra rằng chủng Omicron đã lưu hành từ đầu tháng 10”, ông nói.
Một trong những câu hỏi lớn nhất mà các nhà khoa học đang cố gắng trả lời đó chính là hiệu quả của vaccine đối với biến thể Omicron ra sao. Điều đó có thể được xác định trong vài tuần, một phần là phản ứng nhanh và minh bạch của các nhà khoa học Nam Phi trong việc chia sẻ những nghiên cứu của họ đối với thế giới.
Kể từ khi Nam Phi công bố thông tin biến thể mới ngày 25/11, Omicron đã xuất hiện ở hơn 30 quốc gia và quan ngại về nó khiến nhiều nước siết chặt các quy định đi lại.