Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, trao đổi với báo giới, Phó Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran Mahmoud Jafari cho biết nhà máy điện hạt nhân Bushehr "đang đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa" do Mỹ áp đặt các biện pháp hạn chế giao dịch ngân hàng.
Điều này khiến nước CH Hồi giáo gặp khó khăn trong việc chuyển tiền và các thủ tục cần thiết để mua thiết bị vận hành nhà máy. Ông nêu rõ: "Các vấn đề khó khăn do các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực ngân hàng đã làm phức tạp thêm các nỗ lực vận hành lò phản ứng cũng như chi phí duy tu phải trả cho nhà thầu Nga".
Nga đã giúp Iran xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân Bushehr từ năm 2011. Đây là một trong những dự án điện hạt nhân dân sự lâu đời nhất ở Trung Đông và không bị Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc coi là nguy cơ đe dọa dân sinh. Hầu hết nguồn điện năng của Iran được sản xuất từ khí tự nhiên.
Trong thời gian qua, Iran nhiều lần đề cập việc nước này sẽ quay trở lại thực thi đầy đủ những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), nếu Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt với Tehran. Theo JCPOA, Iran cam kết hạn chế các hoạt động hạt nhân đổi lấy việc các biện pháp trừng phạt nước này được dỡ bỏ.
Tuy nhiên, năm 2018, Washington dưới thời Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Đáp lại, Iran đã giảm các cam kết của Tehran trong thỏa thuận. Các nước còn lại trong thỏa thuận gồm Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc đang nỗ lực cứu vãn thỏa thuận trước nguy cơ đổ vỡ.
Kể từ khi nhậm chức, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tìm cách khôi phục JCPOA, theo đó ông Biden từng tuyên bố sẵn sàng đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận. Tuy nhiên, Mỹ và Iran vẫn đang tranh cãi bên nào phải hành động trước để cứu vãn thỏa thuận này. Iran cho rằng Mỹ cần phải dỡ bỏ trừng phạt trước, trong khi Mỹ yêu cầu trước hết Iran ngừng các hành động đáp trả mà Washington cho là vi phạm thỏa thuận.