Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, InfraStrata cho biết họ đã mua lại “người khổng lồ” công nghiệp một thời của Bắc Ireland với giá 6 triệu bảng (7,4 triệu USD) từ nhà quản lý BDO.
Tuyên bố cho biết tài sản chính của nhà máy đóng tàu này bao gồm một xưởng chế tạo đa năng, các cơ sở bến bãi và cận bến cảng ở cảng Belfast. Đây đều là những tài sản phù hợp cho ngành công nghiệp cơ sở hạ tầng năng lượng của InfraStrata.
Số nhân công tại Harland and Wolff đã sụt giảm trầm trọng từ mức trên 30.000 người vào đầu thế kỷ XX xuống chỉ còn 130 nhân viên trước khi vụ nộp đơn phá sản diễn ra.
InfraStrata cho biết 79 nhân viên không lựa chọn nghỉ việc tự nguyện hồi đầu năm sẽ được giữ lại ngay sau khi công ty này hoàn tất thủ tục mua lại.
InfraStrata cũng có kế hoạch tăng đáng kể quy mô lực lượng lao động tại Harland and Wolff lên hàng trăm người trong vòng 5 năm tới, khi họ phát triển các dự án cơ sở hạ tầng của mình.
Harland and Wolff được thành lập từ năm 1861. Ngoài chiếc tàu Titanic “bạc phận” đã bị chìm vào năm 1912, Harland and Wolff còn đóng hai chiếc tàu nổi tiếng khác là Olympic và Britannic, đồng thời sản xuất gần 150 tàu chiến trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Kể từ đó tới nay, nhà máy này đã dần rút khỏi ngành đóng tàu và giờ hoạt động chủ yếu trong các dự án năng lượng gió và công nghệ kỹ thuật hàng hải. Tuy nhiên, hồi tháng 8 vừa qua, Harland and Wolff đã phải chuyển quyền quản lý cho BDO, sau khi công ty mẹ Dolphin Drilling nộp đơn xin phá sản vì không tìm được người mua lại nhà máy đóng tàu trên.