Nhà máy lọc dầu SAPREF ở thành phố cảng Durban, miền Đông Nam Phi, là công ty liên doanh giữa tập đoàn dầu khí BP (Anh) và Shell (Anh/Hà Lan). SAPREF có công suất 180.000 thùng/ngày, tương đương 35% công suất của Nam Phi.
Các cuộc biểu tình ngày càng diễn biến bạo lực tại Nam Phi đang gây gián đoạn nhiều hoạt động tại quốc gia này. Bộ Y tế Nam Phi cho biết một số cơ sở y tế của nhà nước và tư nhân đang tạm dừng hoạt động để đảm bảo an toàn, trong khi một số điểm tiêm phòng COVID-19 bị đập phá hoặc có nguy cơ bị tấn công cũng tạm thời đóng cửa.
Hiện Chính phủ Nam Phi đã điều động 2.500 binh sĩ quân đội tới các cơ sở trọng yếu để chấm dứt tình trạng bạo loạn và cướp phá.
Bạo lực leo thang sau khi cựu Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma tự ra trình diện cảnh sát hôm 7/7 để thi hành án tù 15 tháng với tội danh không tuân theo lệnh triệu tập của tòa án. Tổng thống Cyril Ramaphosa cho biết, mặc dù bạo lực ban đầu bắt đầu ở tỉnh duyên hải KwaZulu-Natal (KZN), nhưng sau đó đã lan sang cả tỉnh Gauteng. Những hành vi bạo lực có thể bắt nguồn từ sự kích động về chính trị hoặc sắc tộc, nhưng sau đó đã trở thành những hành vi tội phạm, như cướp bóc và trộm cắp. Ông nhấn mạnh Nam Phi đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực và y tế vì những hành vi trên, đặc biệt là sự gián đoạn của các nỗ lực tiêm phòng COVID-19.
Theo số liệu thống kê của cảnh sát Nam Phi, số người thiệt mạng sau 5 ngày biểu tình bạo lực ở Nam Phi đã tăng lên 72 người, trong khi hơn 1.200 đối tượng đã bị bắt giữ.