Việc ký kết thỏa thuận cấp phép vào cuối năm ngoái cho công ty Aspen Pharmacare của Nam Phi để đóng chai và bán vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson đã được ca ngợi là “phao cứu sinh” cho một lục địa sớm thất thủ trong cơn đại dịch. Tuy nhiên, chỉ 6 tháng sau, nhà máy vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của châu Phi đứng trước bờ vực đóng cửa vì nhu cầu không đủ.
Khi được hỏi bà có tiêm mũi vaccine tăng cường sau khi tiêm hai mũi Pfizer vào năm ngoái, bà Agnes Mohale 70 tuổi bày tỏ: “Tôi không biết tiêm để làm gì. Tôi sẽ không tiêm mũi thứ 3. Tôi không lo lắng”.
Sự chần chừ của bà Mohale trong việc tiêm mũi vaccine thứ 3 đã phản ánh nhu cầu về vaccine ngừa COVID-19 tại Nam Phi giảm mạnh. Tại quốc gia này, mới chỉ có 5% người dân đi tiêm mũi tăng cường và chỉ có 1/3 trong tổng số 60 triệu dân đã tiêm đủ hai mũi. Đây là một phần nguyên nhân khiến cho nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi lớn cho tương lai của nhà máy sản xuất vacicne lớn nhất châu lục.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số người chết do mắc COVID-19 trên khắp châu Phi thấp hơn so với các lục địa khác. Châu Phi chỉ chiếm 8,3% trong tổng số 14,9 triệu ca tử vong COVID-19 của thế giới. Một số chuyên gia chỉ ra nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong thấp tại đây có thể là do châu Phi là châu lục trẻ nhất, với độ tuổi trung bình là 19,7 so với 42,5 ở châu Âu.
Các chuyên gia cảnh báo thái độ không mặn mà với việc tiêm vaccine và cơ sở hạ tầng y tế kém đồng nghĩa với việc châu Phi có thể tiếp tục bị tàn phá bởi dịch bệnh trong trường hợp phát sinh nhiều biến thể mới. Trong khi đó, việc sản xuất vaccine trong nước có nguy cơ dừng hẳn sẽ khiến châu lục không có được sự chuẩn bị cho các đợt bùng phát trong tương lai.
Tiến sĩ Ayoade Alakija, đồng chủ tịch của Liên minh phân phối vaccine châu Phi, cho biết: “Sự thiếu động lực trong tiêm chủng đang ảnh hưởng đến trạng thái sẵn sàng của chúng ta trước các biến thể hoặc mối đe dọa virus tiếp theo. Điều này đang gây ảnh hưởng đến các nỗ lực sản xuất vaccine của địa phương và khu vực”.
Vào thời điểm khởi đầu mùa dịch, tại châu Phi chỉ có 4 quốc gia có năng lực sản xuất vaccine, bao gồm Nam Phi, Ai Cập, Senegal và Tunisia. Đến nay, có 15 quốc gia châu Phi đang triển khai các dự án sản xuất vaccine.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến hạn chót mà WHO đặt ra mục tiêu đối với các quốc gia, đảm bảo 70% dân số tiêm đủ 2 mũi vaccine vào tháng 6/2022. Hiện mới chỉ có hai quốc gia châu Phi - Mauritius và Seychelles - đạt được mục tiêu đó. Mới chỉ có 17,4% dân số châu Phi hoàn thành 2 mũi tiêm vaccine COVID-19. Đây là tỷ lệ thấp nhất trong các châu lục. Tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, tỷ lệ này là 73,5%.
Tiến sĩ John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi, cho biết mục tiêu 70% vào giữa năm 2022 “rõ ràng là không thể đạt được đối với hầu hết các quốc gia ở Châu Phi” nhưng sẽ là mục tiêu vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, về mặt cá nhân, nhiều quan chức y tế công cộng cho rằng mục tiêu này đã vượt quá khả năng của các nước châu Phi do người dân vẫn còn chần chừ không đi tiêm và tỷ lệ mắc COVID-19 trước đó cao. Một báo cáo của WHO chỉ ra tính đến cuối năm 2021, khoảng 2/3 người châu Phi có thể đã mắc COVID-19, ngay cả trước khi biến thể Omicron càn quét châu lục này.
Chris Vick, một chuyên gia về quan hệ công chúng tại tổ chức tình nguyện Covid Comms SA, giải thích nhu cầu về vaccine ở Nam Phi giảm vì nhiều người chủ quan, cho rằng biến thế Omicron ít nguy hiểm hơn. “Mọi người bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Tầm quan trọng của tiêm chủng như một biện pháp phòng ngừa dần biến mất so với trước đây”.
Tại Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi, chỉ 8,1% người dân tiêm 2 mũi vaccine. Giáo sư Yap Boum, nhà dịch tễ học người Cameroon đại diện khu vực, cho biết: “Khi hầu hết người châu Phi đã nhiễm bệnh, cộng thêm nhận thức nguy cơ thấp và ngờ vực về vaccine, chắc chắn mọi người sẽ không chạy đi tiêm phòng”. Trung tâm nghiên cứu Epicenter Africa chỉ ra COVID-19 đã “bị loại ra khỏi danh sách ưu tiên” về các mối quan tâm sức khỏe ở châu Phi. "Khi phải đối mặt với nạn suy dinh dưỡng, sốt rét, dịch tả, sốt vàng da, sởi, tại sao bạn phải ưu tiên COVID-19”.