Trang The Guardian (Anh) dẫn nguồn tin từ nhóm nghiêm cứu của tổ chức sức khỏe Health Foundation cho biết những người sinh sống trong điều kiện chật chội có nguy cơ nhiễm và lây lan virus SARS-CoV-2 cao hơn nhiều vì nhà của họ quá nhỏ.
Những căn hộ quá đông đúc là nguyên nhân khiến những người nghèo nói chung và những người thuộc nhóm người thiểu số nói riêng bị ảnh hưởng một cách không cân xứng trong đại dịch COVID-19.
Các nhà nghiên cứu của Health Foundation cũng kết luận rằng tình trạng quá đông đúc cùng với các vấn đề nhà ở khác như thuê nhà ẩm thấp và không an toàn, đã dẫn đến sự gia tăng các căn bệnh về sức khỏe thể chất và tinh thần.
“Kể từ tháng 3, nhiều người trong chúng tôi đã dành nhiều thời gian ở nhà hơn. Đối với nhiều người, điều kiện nhà ở chật chội đã khiến những trải nghiệm của họ trong đại dịch tồi tệ hơn bao giờ hết”, ông Adam Tinson, tác giả của nghiên cứu cho biết.
Ông Tinson phân tích trong khi một số người thực hiện lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong những ngôi nhà rộng lớn, có vườn tược và không gian sống rộng rãi, những người khác phải vật lộn trong điều kiện nhà ở chật chội và không an toàn. Tình trạng quá đông đúc khiến virus dễ dàng lây lan qua nhiều người hơn và việc tự cách ly cũng trở nên khó khăn hơn, nếu một người bị mắc bệnh .
Dữ liệu thống kê năm 2019-2020 được công bố vào đầu tháng này cho thấy ngay trước khi đại dịch bùng phát hồi tháng 3, có đến 830.000 căn hộ ở Anh trong tình trạng quá tải, đặc biệt là các tòa nhà cho thuê, nhiều hơn 200.000 căn so với một thập kỷ trước đó.
“Môi trường nhà ở của người dân ảnh hưởng lớn đến khả năng che chắn cho họ và những người khác trong đại dịch COVID-19. Khi người dân được khuyến cáo nên ở trong nhà, việc lây nhiễm virus cho những thành viên trong gia đình sẽ dễ dàng hơn. Tình trạng nhà ở đông đúc ngày càng gia tăng trong những năm trước đại dịch cũng khiến việc tự cách ly và bảo vệ dân trở nên khó khăn hơn. Điều đó có thể góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong ở các khu vực nghèo hơn”, phân tích cho biết.
Các nhà nghiên cứu cũng nói rằng 8% hộ gia đình có thu nhập thấp nhất đang phải sống trong những ngôi nhà chật chội này. Trong khi chỉ có 1% những người có thu nhập cao sinh sống trong điều kiện này.
Tương tự, các hộ gia đình người thiểu số có nguy cơ phải sống trong những ngôi nhà đông đúc cao gấp 5 lần so với người da trắng. Điều này cho thấy sự chênh lệch về nhà ở kết hợp với đại dịch COVID-19 đang khắc sâu sự bất bình đẳng trong cuộc khủng hoảng sức khỏe.
Hơn nữa, việc mọi người phải dành nhiều thời gian hơn trong những ngôi nhà chật chội ở nhiều đợt phong tỏa khác nhau của năm nay, đã gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là những người nghèo khó.
“Tỉ lệ nghèo khó thường cao hơn đối với các hộ gia đình đông đúc. Dữ liệu cho thấy tình trạng này đã gia tăng trong thời gian phong tỏa nghiêm ngặt hồi tháng 4. Khi 39% người dân sinh sống trong các căn hộ chật chội đều gặp phải tâm lý đau khổ”, phân tích kết luận.
Việc thiếu lựa chọn nhà ở có giá phải chăng cộng với việc cắt giảm hỗ trợ chi phí nhà ở trong nhiều năm đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tâm thần của những người sống trong các căn hộ này.
Các thay đổi lớn đối với chính sách nhà ở, chẳng hạn như cho thuê nhà tư nhân an toàn hơn, thay đổi việc cắt giảm quyền lợi nhà ở và xây dựng thêm nhà ở xã hội, là cần thiết để giảm tác động của những ngôi nhà chất lượng kém đến sức khỏe của người dân.