Chánh án tòa án quận của Mỹ Ramona V. Manglona đã chấp nhận việc ông nhận tội và trả tự do cho nhà sáng lập WikiLeaks do ông này đã mãn hạn tù sau thời gian giam giữ tại Anh từ năm 2019.
Trước đó, ngày 25/6, nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange, sinh ra tại Australia, đã đạt được thỏa thuận nhận tội để ông không còn bị giam giữ tại Anh và chấm dứt hành trình pháp lý kéo dài 14 năm. Theo thỏa thuận, ông Julian Assange nhận 1 tội danh và lĩnh án 62 tháng tù giam cho tội danh này. Ngày 25/6, ông Assange đã rời Anh và đến Saipan trình diện tòa trên đảo.
Sau khi kết thúc phiên tòa kéo dài 3 giờ đồng hồ, ông Julian Assange rời Saipan trên một chiếc máy bay riêng có Đại sứ Australia tại Mỹ và Anh đi cùng. Máy bay dự kiến sẽ hạ cánh xuống Canberra (Australia) vào lúc 19h ngày 26/6 (giờ địa phương), tức 16h chiều cùng ngày giờ Việt Nam.
Năm 2010, WikiLeaks đã gây chấn động thế giới khi công bố hàng trăm nghìn tài liệu mật quân sự Mỹ liên quan đến chiến tranh Afghanistan và Iraq. Đây được coi là vụ rò rỉ an ninh nghiêm trọng nhất trong lịch sử quân đội Mỹ. Bên cạnh tài liệu quân sự, WikiLeaks còn tiết lộ hàng loạt bức điện ngoại giao nhạy cảm.
Ông Assange bị truy tố dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump liên quan đến hành động công bố ồ ạt các tài liệu mật của Mỹ. Nguồn gốc rò rỉ được xác định là Chelsea Manning, cựu phân tích tình báo quân sự Mỹ, người cũng bị truy tố theo Luật Gián điệp.
Ông Assange đã phải ngồi tù hơn 5 năm trong nhà tù Belmarsh của Anh và ẩn náu 7 năm tại Đại sứ quán Ecuador ở London, khi ông đấu tranh với các cáo buộc về tội phạm tình dục ở Thụy Điển và chống lại việc dẫn độ sang Mỹ. Ông đối mặt với 18 tội danh với mức án lên tới 175 năm tù ở Mỹ.
Chính phủ Australia đã vận động để trả tự do cho nhà sáng lập này và đã nhiều lần nêu vấn đề với phía Mỹ. Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đồng ý xem xét làm dấy lên hi vọng hành trình pháp lý chống lại ông Assange sẽ kết thúc sau nhiều năm.