Nhà sáng lập WikiLeaks xin tị nạn tại Êcuađo

Ngoại trưởng Êcuađo Ricardo Patiño ngày 19/6 xác nhận, người sáng lập trang WikiLeaks Julian Assange đang có mặt tại đại sứ quán của Êcuađo ở  Luân Đôn và xin tị nạn chính trị tại quốc gia Nam Mỹ này.

 

Ông Patiño cho biết, trong bức thư gửi Tổng thống Rafael Correa, nhà báo người Ôxtrâylia đang bị quản thúc tại gia tại Anh này cho biết lý do xin tị nạn là ông bị truy bức tại nhiều nước do những suy nghĩ và hành động của mình, và nhất là do đã công bố nhiều thông tin mật vạch trần tham nhũng và những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trên thế giới, và điều này ảnh hưởng tới các lực lượng có quyền thế lớn.

 

Ngoại trưởng Patiño cho biết, chính phủ Êcuađo đang xem xét đơn của ông Assange và mọi quyết định đưa ra đều sẽ phải tôn trọng quy định và nguyên tắc luật pháp quốc tế cũng như chính sách bảo vệ nhân quyền truyền thống của Êcuađo.

 

Ông Assange phỏng vấn từ xa Tổng thống Êcuađo Rafael Correa. Nguồn: Internet

 

Tuần trước, ông Assange đã “hết cửa” trong nỗ lực đấu tranh pháp lý tại Anh nhằm tránh bị dẫn độ sang Thụy Điển- nơi ông bị tố cáo xâm hại tình dục 2 phụ nữ hồi tháng 8/2010-  sau khi bị Tòa án tối cao Anh bác bỏ đề nghị của ông về việc mở lại vụ án và khẳng định cơ quan công tố Thụy Điển có đủ thẩm quyền pháp lý để đưa ra lệnh bắt giữ ông.

 

Trong thư xin tị nạn, ông Assange nói rõ, ông đã bị dọa giết, bị phong tỏa về kinh tế và có khả năng bị các nhà chức trách Anh, Thụy Điển hoặc Ôxtrâylia nộp cho các nhà chức trách Mỹ- nơi ông có thể đối mặt với mức án nặng- vì vậy ông tìm kiếm tị nạn chính trị tại một “lãnh thổ hòa bình”, cho phép ông tiếp tục sứ mệnh của mình.

 

Ông Assange, 41 tuổi, đã từng làm rúng động toàn thế giới vào năm 2010 khi phát tán qua trang mạng WikiLeaks hàng trăm nghìn điện tín ngoại giao bí mật của Mỹ. Ngày 27/2 năm nay, trang web này đã bắt đầu cho đăng thêm khoảng năm triệu thư điện tử mật từ công ty thông tin tình báo Stratfor có trụ sở ở Mỹ.

 

Tháng trước, Tổng thống Êcuađo Correa – nhà lãnh đạo cánh tả vừa ra lệnh cho các thành viên nội các từ chối trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí tư nhân chỉ theo đuổi mục đích thương mại và bảo vệ quyền lợi của các tập đoàn lớn- đã cho phép ông Assange phỏng vấn từ xa cho một kênh của Nga, và ông này có nói rằng sinh mạng bị đe dọa.

 

Tháng 11/2010, chính Tổng thống Correa đã bác bỏ phát biểu của Thứ trưởng ngoại giao Kintto Lucas cho rằng chính phủ Êcuađo sẵn sàng cho ông Assange tị nạn. Thứ trưởng Lucas đã mời ông Assange tới thăm để công bố thông tin mật một cách “tự do” chứ không phải phát tán qua internet. Theo báo chí, Êcuađo cho ông Assange tị nạn là để ông này cung cấp những thông tin mật của Mỹ liên quan tới Mỹ Latinh.

 

Chính một trong những bức điện do WikiLeaks phát tán đã gây căng thẳng ngoại giao giữa Quito và Washington.

 

Theo bức điện trên, bà đại sứ của Mỹ tại Êcuađo Heather Hodges nói tại Êcuađo có tình trạng tham nhũng phổ biến trong lực lượng cảnh sát, và một số nhân viên đại sứ quán Mỹ nghĩ rằng Tổng thống Correa đã bổ nhiệm một người tham nhũng làm Tư lệnh Cảnh sát (ông Jaime Hurtado) để dễ giật dây.

 

Thông tin trên đã dẫn tới việc Êcuađo tuyên bố trục xuất bà Hodges. Đáp lại chính phủ Mỹ cũng trục xuất đại sứ Êcuađo tại Washington Luis Gallegos.

 

 

Quang Sơn

 

 

Anh phán quyết dẫn độ nhà sáng lập Wikileaks sang Thụy Điển
Anh phán quyết dẫn độ nhà sáng lập Wikileaks sang Thụy Điển

Toà án Tối cao Anh đã ra phán quyết giữ nguyên quyết định dẫn độ Julian Assange, người sáng lập trang mạng WikiLeaks, sang Thụy Điển để xét xử những cáo buộc về tấn công tình dục đối với 2 phụ nữ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN