Theo bản ghi chép nội dung dài 5 trang này, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Trump đã hối thúc tân Tổng thống Ukraine khi đó Zelensky mở cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào ông Joe Biden và con trai ông là Hunter Biden.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã không nêu vấn đề viện trợ quân sự như là một "đòn bẩy" để gây sức ép với nhà lãnh đạo Ukraine trong vấn đề này.
Đây là bản tóm tắt nội dung cuộc đàm thoại giữa ông Trump và ông Zelensky - kéo dài 30 phút từ lúc 9:03' tới 9:33' ngày 25/7 - chứ không phải bản ghi chép toàn văn cuộc hội thoại.
Theo nội dung được công bố, nhà lãnh đạo Mỹ đã đề nghị Tổng thống Zelensky hợp tác với luật sư riêng của mình là Rudy Giuliani và Bộ trưởng Tư pháp William Barr, đồng thời bày tỏ hy vọng ông Zelensky có thể tính tới vai trò của cựu Phó Tổng thống Mỹ Biden trong vụ sa thải một công tố viên Ukraine. Tổng thống Trump đã hai lần nhắc tới ông Biden trong cuộc điện đàm này.
Ông Zelensky cũng đã tán thành đề nghị trên và nhận được lời cảm ơn từ phía nhà lãnh đạo Mỹ.
Dự luận và chính giới Mỹ nghi ngờ Tổng thống Trump đã gây sức ép để Tổng thống Zelensky mở cuộc điều tra cựu Phó Tổng thống Biden và con trai ông này – Hunter Biden. Năm 2014, khi đang giữ chức Phó Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã nỗ lực hết mình trong nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Song ở thời điểm đó, cũng xuất hiện nhiều nghi ngại khi công ty khí đốt Ukraine Burisma tuyển dụng con trai ông Biden, Hunter Biden.
Giới chức Đảng Dân chủ cáo buộc Tổng thống Trump đã đề nghị người đồng cấp Zelensky chỉ đạo mở cuộc điều tra nhằm vào ông Biden, qua đó tạo lợi thế cho nhà lãnh đạo này trong cuộc đua tái tranh cử tổng thống năm 2020.
Phát biểu trên kênh CNN ngày 19/9, luật sư của Tổng thống Trump - ông Rudy Giuliani - thừa nhận từng đề nghị Chính phủ Ukraine điều tra về trường hợp của gia đình ông Biden. Theo Đảng Dân chủ, việc ông Giuliani đánh tiếng với Chính phủ Ukraine điều tra ông Biden có thể coi là động thái tác động đến nước ngoài để điều tra đối thủ chính trị của Tổng thống Trump.
Đây là vấn đề nhạy cảm, đặc biệt trong bối cảnh ông Trump và ông Biden nhiều khả năng sẽ là hai ứng viên chính đại diện cho hai đảng Cộng hòa và Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm tới.
Cuộc điện đàm "gây sóng gió chính trường Mỹ' giữa ông Trump và ông Zelensky đang trở thành tâm điểm chính trị tại Mỹ, có nguy cơ châm ngòi một cuộc chiến pháp lý giữa Nhà Trắng và Đồi Capitol.
Ngày 24/9 (rạng sáng 25/9 theo giờ Việt Nam), Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thông báo cơ quan lập pháp này đã chính thức mở cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump.
CNN dẫn tuyên bố được bà Nancy Pelosi đưa ra sau cuộc họp kín với các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ của 6 Ủy ban Hạ viện nêu rõ: "Hạ viện Mỹ đã chính thức xúc tiến cuộc điều tra luận tội. Tổng thống phải chịu trách nhiệm và không ai được phép đứng trên luật pháp”.
Chủ tịch Hạ viện Pelosi cho rằng Tổng thống Trump đã phản bội lời thề khi nhậm chức, phản bội an ninh quốc gia và "vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp Mỹ" vì tìm cách tranh thủ một quyền lực nước ngoài nhằm giành lợi thế chính trị. Đây là một quyết định lịch sử, một lần hiếm hoi cơ quan lập pháp Mỹ tiến hành luận tội một tổng thống đương nhiệm.
Ngay sau khi Nhà Trắng công bố nội dung cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ/Ukraine, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, người thất bại trước ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, tuyên bố "Tổng thống Trump là mối đe dọa rõ ràng và thường trực đối với điều từng giúp chúng ta hùng mạnh và tự do. Tôi ủng hộ luận tội tổng thống".
Theo Hiến pháp Mỹ “Luận tội” là một quyền của cơ quan lập pháp nhằm điều tra, truy tố và cuối cùng là phế truất các nhân viên của nhánh hành pháp (đứng đầu là tổng thống) trong trường hợp họ vi phạm hiến pháp hay pháp luật trong thời gian tại chức. Tuy nhiên, đây là một tiến trình rất phức tạp lại lưỡng viện Quốc hội Mỹ.