Tiến trình điều tra và luận tội Tổng thống Trump diễn ra như thế nào?

Ông Donald Trump sẽ trở thành tổng thống thứ tư trong lịch sử nước Mỹ phải đối mặt với một cuộc điều tra luận tội. Trước đó, hai trường hợp dẫn đến xét xử và một tổng thống từ chức trước khi bị luận tội.

Chú thích ảnh
"Không ai được đứng trên luật pháp", Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tuyên bố ngày 24/9. Ảnh: AFP

Ngày 24/9 (sáng 25/9 theo giờ Việt Nam), Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã tuyên bố mở cuộc điều tra luận tội chính thức đối với Tổng thống Donald Trump. Cuộc điều tra xoay quanh nghi vấn liệu ông Trump lạm dụng quyền lực tổng thống và tìm kiếm sự trợ giúp của nước ngoài để làm suy yếu đối thủ chính trị Joe Biden.

Tuyên bố của bà Pelosi được đưa ra sau khi Tổng thống Trump bị cáo buộc gây áp lực đòi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky điều tra cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và con trai ông Biden, qua đó tạo lợi thế cho nhà lãnh đạo này trong cuộc đua tái tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020, nơi ông Biden được coi là ứng cử viên sáng giá nhất bên phía đảng Dân chủ.

Vậy qui trình điều tra luận tội một tổng thống Mỹ đương nhiệm diễn ra như thế nào?

Chuyện gì đang xảy ra?

Sau nhiều tháng chịu áp lực từ một bộ phận đáng kể các thành viên Dân chủ tham dự những cuộc họp kín bàn về việc "bật đèn xanh" cho thủ tục luận tội, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cuối cùng đã quyết định hành động vào tối 24/9, sau khi có tới hơn 30 nghị sĩ Dân chủ đồng loạt kêu gọi mở một cuộc điều tra luận tội tổng thống.

Diễn biến trên xảy ra sau khi Quốc hội Mỹ biết về một báo cáo tố giác được đệ trình bởi một thành viên của cộng đồng tình báo xoay quanh một hoặc nhiều cuộc trao đổi qua điện thoại giữa Tổng thống Trump với người đồng cấp Ukraine, Volodymyr Zelensky. Nội dung các cuộc đàm thoại được cho là có liên quan đến cựu Phó Tổng thống Joe Biden, đối thủ tiềm tàng của ông Trump trong cuộc chạy đua tái tranh cử tổng thống năm 2020.

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump bị cáo buộc gây áp lực buộc Ukraine điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden.

Phe Dân chủ cho rằng ông Trump đã trì hoãn 400 triệu USD viện trợ quân sự và gây áp lực buộc Ukraine mở cuộc điều tra về ông Joe Biden và con trai là Hunter Biden hòng tạo lợi thế trong cuộc đua tái tranh cử tổng thống năm tới.

Năm 2014, khi đang giữ chức Phó Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã nỗ lực hết mình trong nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Song ở thời điểm đó, cũng xuất hiện nhiều nghi ngại khi công ty khí đốt Ukraine Burisma tuyển dụng con trai ông Biden là Hunter Biden.

Ngay trong ngày 24/9, Tổng thống Donald Trump đã bác bỏ hoàn toàn cáo buộc trên và gọi hành động của phe Dân chủ là một "cuộc săn phù thủy".

Quy trình điều tra diễn ra như thế nào?

Bà Pelosi nói rằng 6 Ủy ban Hạ viện vốn đang điều tra các hành vi bị cáo buộc là phạm tội của Tổng thống Trump sẽ tiếp tục công việc này. Dựa trên những phát hiện của họ, Ủy ban Tư pháp Hạ viện có thể soạn thảo và phê chuẩn dự thảo luận tội chống lại Tổng thống Trump. Dự thảo này sau đó sẽ được đưa ra Hạ viện bỏ phiếu. Nếu dự thảo được thông qua ở Hạ viện với số phiếu trên 50%, Thượng viện Mỹ sẽ tổ chức một phiên tòa luận tội. Khi đó, cần có 2/3 thượng nghị sĩ ủng hộ thì Quốc hội mới có thể kết án và bãi nhiệm tổng thống.

Vì thế, nỗ lực buộc Tổng thống Trump phải rời Nhà Trắng trước thời hạn kết thúc nhiệm kỳ sẽ đòi hỏi sự ủng hộ của toàn bộ Thượng nghị sĩ Dân chủ và khoảng 20 Thượng nghị sĩ Cộng hòa đồng ý phản bội đảng. Đây là một rào cản rất lớn vì đảng Cộng hòa đang nắm quyền kiểm soát Thượng viện và cũng không có nhiều Thượng nghị sĩ Cộng hòa tán thành viện luận tội ông Trump.

Những diễn biến tiếp theo?

Có vẻ như sắp có rất nhiều thông tin bổ sung về nghi vấn lùm xùm với Ukraine sẽ được đưa ra ánh sáng. Ủy ban Tình báo Hạ viện đã tuyên bố rằng người tố giác muốn ra làm chứng, và có thể thực hiện điều đó sớm nhất là trong tuần này, có nghĩa là công chúng có thể sẽ sớm biết chi tiết về các cáo buộc chống lại Trump, và xem có những bằng chứng gì sẽ được trưng ra.

Trong một cuộc bỏ phiếu nhất trí hiếm hoi cùng ngày 24/9, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn một nghị quyết kêu gọi Nhà Trắng đưa ra bằng chứng lật ngược báo cáo của người tố giác.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bác bỏ các cáo buộc từ phe Dân chủ. Ảnh: AP

Cùng ngày, nhà lãnh đạo Mỹ cũng tuyên bố Nhà Trắng sẽ cho công bố toàn văn các đoạn ghi âm cuộc điện đàm giữa ông và Tổng thống Ukraine Zelensky sớm nhất trong ngày 25/9 (giờ Mỹ).

"Tôi đang ở Liên Hợp Quốc, đại diện cho đất nước chúng ta, tôi cho phép công bố bản đầy đủ không chỉnh sửa về nội dung cuộc trò chuyện với Tổng thống Zelensky của Ukraine", Tổng thống Trump viết trên Twitter. "Các bạn sẽ thấy đó là một cuộc gọi hoàn toàn thân thiện và phù hợp. Không có áp lực nào, và không như Joe Biden và con trai ông ấy, không có đổi chác gì cả! Việc này (cuộc điều tra) hoàn toàn là sự tiếp diễn của cuộc săn phù thủy lớn nhất và nguy hiểm nhất mọi thời đại!", nhà lãnh đạo Mỹ chỉ trích động thái của phe Dân chủ. Sau đó, ông cũng thông báo Ngoại trưởng Mike Pompeo đã nhận được sự cho phép từ Chính phủ Ukraine để công bố nội dung cuộc điện thoại.

Tổng thống Trump có thể bị luận tội vì điều gì?

Đó là một câu hỏi rất quan trọng. Ông Trump có thể đối mặt với cuộc luận tội về một loạt cáo buộc hành vi sai trái bao gồm: trục lợi cá nhân từ vai trò tổng thống, vi phạm luật tài chính trong chiến dịch tranh cử, điều chuyển ngân sách không thích hợp để xây dựng bức tường biên giới hoặc sử dụng quyền lực ân xá để “bật đèn xanh” cho vi phạm luật pháp (Ông Trump được cho đã nói với quan chức dưới quyền rằng ông sẽ ân xá cho họ nếu họ phải vi phạm luật pháp để xây dựng bức tường biên giới trước mùa bầu cử tổng thống).

Tuy nhiên, một số nhà bình luận đã cảnh báo rằng phe Dân chủ nên tập trung vào một nhóm hẹp các cáo buộc phạm tội nhằm tránh đặt ra một tiền lệ có thể mở rộng một cách cực đoan phạm vi cho các cuộc điều tra luận tội trong tương lai.

Chú thích ảnh
Ông Joe Biden được cho là đối thủ tiềm năng của Tổng thống Trump trong mùa tranh cử 2020.

Họ cho rằng, dự thảo luận tội sẽ tránh các vấn đề bất đồng chính sách và chỉ liên quan đến các hành vi của Tổng thống Trump khi tại nhiệm, nơi có những bằng chứng mạnh mẽ nhất, và cũng là lĩnh vực mà hiến pháp quy định rõ ràng nhất.

Theo tờ Guardian, các biên tập viên của trang Lawfare đã đề xuất 5 điều cáo buộc với Tổng thống là: cản trở công lý và lạm dụng các tổ chức và nhân viên thực thi pháp luật; truy tố các đối thủ chính trị; lạm dụng cơ quan chính sách đối ngoại; nỗ lực cản trở hoặc cản trở các cuộc điều tra của quốc hội; và nói dối công chúng Mỹ.

Những rắc rối chính trị có thể liên quan?

Còn nhớ vụ luận tội Tổng thống của đảng Dân chủ Bill Clinton năm 1998 đã phản tác dụng đối với phe Cộng hòa, những người chứng kiến ​​uy tín của ông Clinton tăng mạnh trong khi họ chịu tổn thất nặng nề trong cuộc bầu cử sau đó.

Chú thích ảnh
Những người ủng hộ luận tội Tổng thống Trump. Ảnh: AP

Trên thực tế, từ lâu bà Pelosi đã rất thận trọng và kiềm chế trước những lời kêu gọi thúc đẩy tiến trình luận tội Tổng thống Trump. Điều này được bà thể hiện rõ sau khi chỉ cho phép công bố phiên bản tóm tắt của bản báo cáo điều tra về tổng thống của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Thái độ đó dường như bắt nguồn từ những lo ngại rằng các thủ tục luận tội sẽ khiến đảng Dân chủ mất tập trung và có thể còn giúp đối thủ Trump trong cuộc đua tái tranh cử 2020.  

Về điều này, bà Pelosi có thể dựa trên một sự thực là: Mặc dù uy tín Tổng thống Trump thường chỉ đạt 30-40% số phiếu ủng hộ, nhưng tính trung bình trong tất cả các cuộc thăm dò kể từ đầu năm 2017, chỉ có ,5% người dân ủng hộ luận tội ông và 55,7% phản đối.

Tổng thống nào đã từng bị luận tội?

Quốc hội cũng có thể luận tội các thẩm phán và các quan chức khác của nhánh hành pháp. Hai Tổng thống Bill Clinton (1998) và Andrew Johnson (18) từng bị luận tội. Cả Tổng thống Johnson và Clinton đều bị luận tội tại Hạ viện nhưng sau đó được tha bổng tại Thượng viện và tiếp tục tại vị.

Lịch sử nước Mỹ còn một trường hợp nữa là Tổng thống Richard Nixon năm 1974. Khi đó, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn tiến trình luận tội ông Nixon liên quan tới vụ bê bối Watergate nổi tiếng. Tuy nhiên, Tổng thống Nixon đã từ chức trước khi Hạ viện có thể bỏ phiếu về vấn đề này.

Chú thích ảnh
Tổng thống Bill Clinton và phu nhân Hillary Clinton tại phiên luận tội vào tháng 12/1998. Ảnh: AP

Một tổng thống Mỹ có thể bị luận tội vì điều gì?

Hiến pháp Mỹ nêu rõ những vụ luận tội tổng thống có thể được tiến hành với “tội phản quốc, nhận hối lộ, hoặc các tội nặng và nhẹ khác”.

Tổng thống Johnson bị buộc tội vi phạm pháp luật khi loại bỏ chức bộ trưởng chiến tranh Mỹ, vốn không phải là quyết định của ông với tư cách là tổng thống. Tổng thống Clinton bị buộc tội cản trở công lý và khai man, vì bị cáo buộc nói dối  bồi thẩm đoàn liên bang về mối quan hệ của ông với cô thực tập sinh Monica Lewinsky.

Nếu Nixon không từ chức, ông có thể đã bị kết tội tại Thượng viện về một trong ba tội danh: cản trở công lý, lạm dụng quyền lực hoặc không tuân lệnh trát hầu tòa. Tuy nhiên, Tổng thống Gerald Ford, từng là Phó Tổng thống của ông Nixon và kế nhiệm ông, đã ân xá cho cựu tổng thống Nixon về bất kỳ hành vi phạm tội nào một tháng sau khi ông từ chức.

Thủ tục luận tội mất bao lâu?

Có rất nhiều tiền lệ, nhưng vụ luận tội Tổng thống Clinton được tiến hành tương đối nhanh chóng, trong khoảng ba tháng. Tuy nhiên, trước đó là cuộc điều tra đã kéo dài nhiều năm nhằm vào vợ chồng Bill và Hillary Clinton, do Công tố viên đặc biệt Kenneth Starr tiến hành. Ông Starr đã nộp bản báo cáo và nghiên cứu của mình cho Ủy ban Tư pháp Hạ viện, do đó ủy ban này không cần phải tiến hành một cuộc điều tra tốn thời gian riêng nữa.

Thu Hằng/Báo Tin tức ((Theo Guardian, CNN))
Hạ viện Mỹ chính thức mở cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump
Hạ viện Mỹ chính thức mở cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump

Ngày 24/9 (rạng sáng 25/9 theo giờ Việt Nam), Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thông báo cơ quan lập pháp này đã chính thức mở cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN