Ngày 18/4, với 288 phiếu thuận và 127 phiếu chống, Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa kiểm soát đã thông qua dự luật tạo điều kiện cho chính phủ và các công ty có thể chia sẻ thông tin về các nguy cơ an ninh mạng. Tháng 4 năm ngoái, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua một dự luật tương tự với 248 phiếu thuận và 1 phiếu chống. Tuy nhiên, dự luật này bị tắc tại Thượng viện sau khi Tổng thống Obama dọa sẽ dùng quyền phủ quyết với lý do dự luật này không bảo đảm các quyền dân sự và quyền riêng tư của các cá nhân.Dự luật này đã được thông qua hồi năm ngoái, nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama từng tuyên bố sẽ dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn. Ảnh: THX-TTXVN. |
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, dự luật vừa được thông qua lần thứ hai có tên gọi "Dự luật bảo vệ và chia sẻ thông tin tình báo mạng" (CISPA), mã số H.R.624. Những người cổ vũ cho biết mục tiêu của dự luật là thông qua việc hợp tác với các công ty công nghệ để giúp chính phủ Mỹ có thêm nhiều nguồn tin điều tra về nguy cơ an ninh mạng và có các biện pháp bảo đảm an ninh cho các hệ thống máy tính của nước Mỹ chống lại các vụ tấn công hoặc tình báo mạng.
Những nghị sĩ bỏ phiếu hậu thuẫn cho rằng dự luật này là bước tiến quan trọng so với một dự luật tương tự đã được thông qua vào năm 2012, đồng thời khẳng định sẽ sớm trình CISPA lên Thượng viện để tiến hành bỏ phiếu.
Tuy nhiên, hai ngày trước khi Hạ viện thông qua, Phòng Quản trị và Ngân sách của Nhà Trắng đã ra thông báo cho biết Tổng thống Obama sẽ một lần nữa phủ quyết dự luật trên. Theo giải thích của Nhà Trắng, dự luật mới chưa đưa vào các điều khoản đủ để đảm bảo cho việc không xâm phạm các quyền dân sự và quyền tự do của công dân. Nhà Trắng đặc biệt phản đối điều khoản cho phép Cơ quan an ninh quốc gia (NSA), một đơn vị trực thuộc quân đội Mỹ, được quyền tiếp cận các nguồn tin, trong đó có thông tin của các cá nhân trên mạng. Quan điểm của Nhà Trắng cho rằng chỉ có các cơ quan dân sự như Bộ An ninh Nội địa mới được quyền tiếp cận những loại thông tin này.
Mặc dù đã có một số điều chỉnh, nhưng 34 tổ chức về quyền tự do dân sự đã ra tuyên bố chung phản đối dự luật CISPA, cho rằng việc trao đổi qua mạng một khối lượng thông tin lớn, trong đó có các các thông tin cá nhân nhạy cảm, giữa các công ty và các cơ quan chức năng của chính phủ là xâm phạm quyền riêng tư của công dân.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Nhà Trắng Laura Lucas bày tỏ lo ngại dự luật được thông qua chưa phản ánh đúng sự quan ngại của các nhà chức trách Mỹ. Tuy nhiên, bà hy vọng lưỡng viện sẽ cùng phối hợp nhằm đạt được tiếng nói chung cho một dự luật hoàn chỉnh, giúp giải quyết những vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực an ninh mạng.
TTXVN/Tin tức