Theo hãng tin AFP của Pháp, điều phối viên về truyền thông chiến lược của Nhà Trắng John Kirby nói: “Liên quan đến vụ phóng này, chúng tôi không cho rằng nó là mối đe dọa đối với lãnh thổ nội địa.”
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, vụ phóng tên lửa mới nhất của Tiều Tiên là bằng chứng cho thấy cần phải thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về Bình Nhưỡng.
Cùng ngày, tại trụ sở Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ở Seoul, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và Mỹ đã tổ chức cuộc họp lần thứ nhất của Nhóm công tác đối phó tên lửa Hàn-Mỹ (CMWG). Đây là một nhóm thảo luận cấp chuyên viên trực thuộc Ủy ban Chiến lược răn đe Hàn-Mỹ (DSC) nhằm thiết lập nền tảng chính sách sâu rộng trong lĩnh vực tên lửa.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, nguồn tin Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết hai bên đánh giá tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên đã đạt tới trình độ có thể gắn đầu đạn hạt nhân. Do đó, cơ quan chính phủ hai nước cần thiết lập một cơ chế thảo luận cấp chuyên viên về đối phó với tên lửa của Bình Nhưỡng. Theo đó, Mỹ và Hàn sẽ tăng cường cơ chế phối hợp giữa hai cơ quan, đẩy nhanh hơn nữa hợp tác chính sách nhằm tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa.
Trước các diễn biến mới trên Bán đảo Triều Tiên, HĐBA LHQ dự kiến trong ngày 21/11 sẽ thảo luận về vụ phóng ICBM Hwasong-17 của Triều Tiên.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ trước đó cho biết vụ phóng mới nhất của Triều Tiên "là loại tên lửa tầm xa, có thể tấn công nhiều quốc gia", đồng thời cho rằng HĐBA LHQ nên họp về vấn đề này.