Theo hãng thông tấn TASS, thông tin trên đã được Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby xác nhận tại một cuộc họp báo trực tuyến hôm 26/8. Ông Kirby cho rằng đây không phải là mong muốn mới của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
“Nhà lãnh đạo Ukraine đã bày tỏ mối quan ngại này riêng với Mỹ, và ông ấy chắc chắn đã công khai mối quan ngại này với mọi người, và chúng tôi hiểu tại sao ông ấy làm như vậy. Như tôi đã nói rất nhiều lần, chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận với Ukraine, nhưng chúng tôi sẽ giữ bí mật. Không có thay đổi nào đối với chính sách liên quan đến vũ khí của Mỹ để thảo luận vào hôm nay và cũng không có chỉ dẫn nào về vấn đề này để thảo luận”, ông Kirby cho hay.
Theo một số nhà lập pháp và quan chức Ukraine, đã có những dấu hiệu cho thấy một số quan chức trong Chính quyền của Tổng thống Joe Biden cân nhắc dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp bên trong lãnh thổ Nga trong những ngày tới. Một nghị sĩ đảng Dân chủ cho biết chính quyền đang xem xét yêu cầu của Kiev.
Trong khi đó, Nhà Trắng chưa cho biết họ có đang cân nhắc thay đổi chính sách hay không.
Trong diễn biến liên quan, tuần trước, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho hay tuyên bố của Washington rằng họ không cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga là không đáng tin cậy.
Ông Antonov tuyên bố rằng chính quyền Mỹ có vẻ như liên tục đùa giỡn Moskva bằng những tuyên bố rằng họ không cho phép sử dụng các hệ thống tầm xa để tấn công vào lãnh thổ Nga.
“Nhưng trên thực tế, về cơ bản, họ đang chuẩn bị cơ sở để gỡ bỏ mọi hạn chế hiện có, tại một thời điểm nhất định”, đại sứ Nga nói.
Tổng thống Zelensky đã liên tục kêu gọi các quốc gia ủng hộ phương Tây cho phép nước này thực hiện các cuộc tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga trong chiến dịch tấn công khu vực Kursk của Nga.
Lầu Năm Góc tuyên bố lập trường của họ vẫn không thay đổi và Ukraine vẫn không được phép sử dụng tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) do Mỹ cung cấp, có tầm bắn lên tới 300 km, để tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Theo ông Antonov, đánh giá theo sự hỗ trợ trước đây của Washington dành cho Kiev, bao gồm cả việc đào tạo phi công vận hành chiến đấu cơ F-16, thì gần như chắc chắn rằng Ukraine sẽ chiến đấu bằng vũ khí tầm xa do Mỹ sản xuất chống lại Nga.
“Chính xác thì điều đó sẽ xảy ra ở đâu? Chúng tôi không thể nói hoặc dự đoán”, ông nhấn mạnh
Moskva cảnh báo nếu bất kỳ vũ khí phương Tây nào được sử dụng để tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga, nước này sẽ chia sẻ khả năng tương tự với các quốc gia khác trên thế giới để sử dụng chúng chống lại các tài sản quân sự của phương Tây.
Moskva cũng coi chiến thuật quân sự của Kiev ở Kursk là hành động khủng bố. Giới chức Nga cảnh báo các quốc gia phương Tây cung cấp vũ khí cho Kiev phải chịu trách nhiệm về những hành động tàn bạo do quân đội Ukraine gây ra.