Tính trong tháng này, nhân dân tệ mất giá 4,2%, xuống mức 6,6 nhân dân tệ đổi một USD. Đây là mức mất giá lớn nhất kể từ sau khi Trung Quốc chấm dứt chế độ neo tỉ giá theo đồng USD (năm 2005).
Mức giảm giá này lớn hơn đợt Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) có động thái phá giá đồng nội tệ vào năm 2015, gây ra cơn hoảng lợn trên các thị trường toàn cầu. Nó cũng lớn hơn đợt mất giá của nhân dân tệ trong năm 2018 sau căng thẳng liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung do chính quyền Tổng thống Donald Trump khởi xướng.
Ngày 29/4, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra cam kết đẩy mạnh các biện pháp nhằm hỗ trợ ổn định kinh tế trong nước, hối thúc bộ, ngành, các cấp chính quyền nỗ lực hơn nữa nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra trong năm 2022. Nhà chức trách Trung Quốc cũng tuyên bố tăng hỗ trợ thị trường bất động sản đang gặp khó, sử dụng mọi hình thức, công cụ về tiền tệ.
Tuyên bố này ngay lập tức giúp thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày 29/4, với chỉ số CSI 300 chốt phiên tăng 2,43%. Tuy nhiên, tác động lan tỏa tới thị trường tiền tệ là không nhiều, khi tỉ giá giữa đồng nhân dân tệ và USD gần như đi ngang trong phiên giao dịch buổi chiều.
Đồng nhân dân tệ mất giá do một số nguyên nhân. Đó là việc kinh tế Trung Quốc đang gặp thách thức từ diễn biến dịch COVID-19. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc từ 4,8% xuống 4,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 5,5% mà Bắc Kinh đề ra. Kế đến, giới đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ra cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc, khi FED tăng lãi suất, tạo ra sức hấp dẫn lớn hơn đối với các khoản đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ.