Trong ngày 31/3, chính quyền thành phố Osaka đã đề nghị chính phủ áp dụng quy định phòng dịch trọng điểm đối với địa phương này khi xu hướng các ca nhiễm có dấu hiệu tăng cao sau khi nhà chức trách dỡ bỏ lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp. Sau khi thảo luận với các quan chức phòng chống dịch, Thủ tướng Suga Yoshihide đã chỉ đạo xem xét áp dụng biện pháp tương tự đối với 2 địa phương giáp ranh Osaka là Hyogo và Miyagi.
Quy định về các biện pháp phòng dịch trọng điểm được coi là biện pháp phòng ngừa chủ động khi dịch bùng phát, mức độ thấp hơn so với ban bố tình trạng khẩn cấp và được quy định trong Luật về các biện pháp đặc biệt phòng chống các chủng cúm mới được chính phủ Nhật Bản sửa đổi vào đầu năm nay. Chính quyền các địa phương không chỉ được quyền đưa ra yêu cầu hợp tác mà còn được áp dụng các biện pháp mang tính cưỡng chế như ra mệnh lệnh hành chính buộc các cửa hàng ăn uống rút ngắn thời gian kinh doanh. Các trường hợp không chấp hành mệnh lệnh có thể bị phạt tiền tối đa 200.000 yên.
Ngày 31/3, Nhật Bản ghi nhận 2.843 ca mắc COVID-19 mới, đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới vượt mức 2.000 người. Các địa phương có số ca mắc COVID-19 cao là Osaka (599 ca), Tokyo (414 ca), Hyogo (211 ca), tỉnh Miyagi cũng ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục từ trước đến nay là 200 ca.
Trong khi đó, giới chức Australia cho biết sẽ dỡ bỏ lệnh phong tỏa tại thành phố lớn thứ ba nước này Brisbane, bang Queensland sau khi bang này chỉ ghi nhận 1 ca mắc mới trong ngày.
Thủ hiến bang Queensland Annastacia Palaszczuk cho hay lệnh phong tỏa kéo dài trong 3 ngày sẽ kết thúc vào chiều 1/4 (theo giờ địa phương). Tuy nhiên, chính quyền bang cho hay người dân vẫn phải thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch, trong đó có việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, các cuộc tụ tập chỉ được phép diễn ra với tối đa 30 người, hoạt động giải trí công cộng vẫn bị cấm và các cơ sở kinh doanh hoạt động phải đảm bảo giãn cách xã hội.
Trước đó, chính quyền bang Queensland đã áp đặt lệnh phong tỏa tại thành phố 2 triệu dân này trước thềm lễ Phục sinh nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát say khi phát hiện 2 ô dịch mới gồm 18 ca mắc. Queensland là điểm du lịch phổ biến đối với người dân Australia trong dịp nghỉ lễ Phục sinh và kỷ nghỉ học kỳ.
Australia đã nỗ lực kìm hãm sự lây lan của virus SARS-CoV-2 thông qua nhiều biện pháp như đóng cửa biên giới, áp đặt lệnh phong tỏa nhanh và truy vết thần tốc. Cho đến nay, nước này đã ghi nhận khoảng 22.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 909 ca tử vong. Tuy nhiên, giới chuyên gia y tế cảnh báo tiến trình tiêm vaccine chậm hơn dự kiến đang làm gia tăng nguy cơ bùng phát làn sóng dịch mới. Cho đến cuối tháng 3, khoảng 670.000 liều vaccine đã được tiêm cho người dân nước này, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4 triệu liều mà chính phủ đưa ra.
Tại Myanmar, Bộ Ngoại giao nước này ngày 31/3 thông báo sẽ gia hạn lệnh hạn chế nhập cảnh đối với tất cả các du khách đến ngày 30/4 tới. Theo đó, Myanmar sẽ gia hạn lệnh đình chỉ tạm thời đối với tất cả các loại thị thực. Ngoài ra, các dịch vụ hàng không quốc tế cũng sẽ tạm dừng đến cuối tháng 4 nhằm ngăn chặn nguy cơ các ca mắc COVID-19 xâm nhập. Trong khi đó, Ủy ban Trung ương về Ngăn ngừa, Kiểm soát và Xử lý COVID-19 cũng ban hành một thông báo gia hạn thời gian áp dụng các biện pháp ngăn ngừa COVID-19 thêm 1 tháng nữa.
Theo công bố cùng ngày của Bộ Y tế và Thể thao Myanmar, nước này đã ghi nhận thêm 22 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 142.434 ca, trong đó có 3.206 ca tử vong.