Theo Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kotaro Nogami, trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 29/8 là một mối đe dọa chưa từng thấy đối với khu vực. Hai bên cam kết tiếp tục phối hợp hối thúc Triều Tiên kiềm chế các hành động khiến căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên leo thang thông qua việc thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cũng như tìm kiếm vai trò lớn hơn của Trung Quốc trong vấn đề này.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi đó, phát biểu tại phiên họp HĐBA LHQ ngày 29/8, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lưu Kết Nhất cho biết Trung Quốc phản đối vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và kêu gọi nỗ lực đưa vấn đề này trở lại lộ trình đối thoại.
Đại sứ Trung Quốc nêu rõ Trung Quốc phản đối các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo, đồng thời cho rằng Bình Nhưỡng cần tuân thủ các nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ. Ông Lưu cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, tránh những phát biểu hoặc "những hành động khiêu khích lẫn nhau" có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và tạo điều kiện cho nối lại đối thoại.
Liên quan động thái của Triều Tiên, giới phân tích nhận định rằng việc Bình Nhưỡng phóng một tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản có thể làm tăng sức ép khiến Washington cân nhắc đánh chặn các tên lửa phóng thử của Triều Tiên trong tương lai, mặc dù không có gì đảm bảo việc này sẽ thành công và các quan chức Mỹ đều thận trọng về sự leo thang nguy hiểm với Bình Nhưỡng.
Theo các nhà phân tích, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần nhấn mạnh để ngỏ "mọi phương án" đối với Triều Tiên, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã tuyên bố quân đội sẽ bắn hạ bất cứ tên lửa nào bị xem là gây nguy hiểm cho lãnh thổ Mỹ cũng như lãnh thổ các nước đồng minh. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Washington sẽ sớm thay đổi chính sách hướng tới hành động quân sự trực tiếp nhằm vào Triều Tiên.