Theo đó, có khoảng 14 triệu người là các nhân viên y tế và người cao tuổi mắc bệnh nền đang sinh sống tại các nhà dưỡng lão sẽ nằm trong diện này.
Nguồn tin giới chức Chính phủ Nhật Bản cho biết những người cao tuổi không mắc bệnh nền cũng sẽ thuộc diện được điều chỉnh thời gian chờ tiêm mũi thứ 3 từ 8 tháng (theo nguyên tắc) xuống còn 7 tháng. Số lượng ước tính khoảng 17 triệu người và thời gian tiêm có thể bắt đầu từ tháng 2/2022.
Trước đó, phát biểu tại kỳ họp Quốc hội bất thường, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumido khẳng định sẽ đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ 3, coi đây là một trong những biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới, nhất là biến thể Omicron.
Thủ tướng Kishida cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi chủ động về nguồn cung vaccine để phân phối đến các địa phương nhằm đảm bảo tốt nhất cho chương trình tiêm chủng này. Cho đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã cho phép về nguyên tắc rút ngắn thời gian chờ tiêm mũi thứ 3 xuống còn 6 tháng đối với các nhân viên y tế và nhân viên chăm sóc người cao tuổi, trong trường hợp đặc biệt khi xảy ra ổ lây nhiễm mới tại một cơ sở y tế bất kỳ.
Hiện tại nguồn vaccine được sử dụng cho tiêm chủng mũi thứ 3 được cấp phép là vaccine của hãng Pfizer/BioNTech và Moderna. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, chính phủ nước này đã ký kết hợp đồng mua 120 triệu liệu vaccine của hãng Pfizer/BioNTech và 50 triệu liệu vaccine của hãng Moderna trong nửa đầu năm sau.
Tuy nhiên, bộ trên cũng cho biết, Pfizer/BioNTech chưa đưa ra lộ trình rõ ràng về cung cấp số lượng vaccine này. Vì thế, có thể ở một thời điểm nào đó sẽ có hiện tượng khan hiếm nguồn cung và người đăng ký tiêm mũi thứ 3 loại vaccine này sẽ phải chờ đợi thời gian lâu hơn dự kiến. Giới chuyên gia y tế Nhật Bản cho biết trong trường hợp lựa chọn chuyển sang tiêm vaccine của hãng Moderna thì người dân vẫn có thể an tâm vì hiệu quả và độ an toàn sẽ không thay đổi so với việc tiêm vaccine cùng loại.
Trong khi đó, tại Canada, ngày 15/12, Bộ trưởng Y tế Jean-Yves Duclos khuyến cáo những công dân nước này có kế hoạch đi du lịch nước ngoài hủy chuyến đi của họ, trong bối cảnh biến thể Omicron có nguy cơ lan rộng trên toàn thế giới.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Chính phủ liên bang Canada đã thay đổi hướng dẫn đi lại chính thức, khuyến cáo người dân tránh tất cả các chuyến đi không cần thiết ra nước ngoài ở thời điểm hiện tại. Phát biểu với báo giới trước đó, Thủ tướng Justin Trudeau kêu gọi người dân cần thận trọng khi lên kế hoạch cho kỳ nghỉ của mình.
Ngoài cảnh báo đi lại mới, Bộ trưởng Duclos cho biết Cơ quan Y tế công cộng Canada (PHAC) sẽ tăng cường chương trình xét nghiệm COVID-19 bắt buộc đối với hành khách nhập cảnh tại các sân bay của Canada. Ông cho biết Canada có thể xử lý tới 17.000 xét nghiệm mỗi ngày.
Khi được hỏi liệu chính phủ có xem xét khôi phục chương trình cách ly ở khách sạn hay không (một sáng kiến trước đó buộc hành khách quốc tế nhập cảnh qua đường hàng không phải trở lại khách sạn trong khi chờ kết quả xét nghiệm), Bộ trưởng Duclos cho biết tất cả các lựa chọn đều đang được xem xét. Hiện tại, chính phủ chỉ đang khuyến cáo người dân không nên đi du lịch nước ngoài, nhưng các biện pháp khác có thể sẽ sớm được áp dụng.
Với yêu cầu xét nghiệm trước khi khởi hành và quy định về vaccine đang được áp dụng, dữ liệu của PHAC cho thấy rất ít khách du lịch trở về Canada có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Trong số 232.835 xét nghiệm của các hành khách đi máy bay đã được tiêm phòng đầy đủ từ ngày 10/9 đến ngày 27/11, chỉ 0,14% có kết quả dương tính.
Tuy nhiên, WestJet, một trong những hãng hàng không lớn của Canada, đã phản đối cảnh báo đi lại mới. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của WestJet, Harry Taylor, cho rằng cảnh báo đi lại được đưa ra ở thời điểm 10 ngày trước lễ Giáng sinh, sẽ gây ra "sự gián đoạn không cần thiết" và "hỗn loạn" trong ngành du lịch.