Trong một tuyên bố, ủy ban trên nhấn mạnh rằng OpenAI cần phải giảm xuống mức tối thiểu những dữ liệu nhạy cảm thu thập cho học máy. Ủy ban này cũng để ngỏ khả năng hành động mạnh nếu quan ngại hơn về thu thập dữ liệu. Ủy ban bảo vệ thông tin cá nhân của Nhật Bản lưu ý sự cần thiết của việc cân bằng giữa những quan ngại về quyền riêng tư với những lợi ích tiềm năng của trí tuệ nhân tạo (AI).
Nhật Bản được cho là đang nỗ lực bắt kịp với những xu hướng công nghệ gần đây, đặc biệt là AI và robot, nhằm duy trì năng suất trong bối cảnh dân số giảm. Theo công ty phân tích Similarweb, Nhật Bản là quốc gia có nguồn lưu lượng truy cập lớn thứ ba vào trang web của OpenAI.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tokyo hồi tháng 4 vừa qua, Giám đốc điều hành (CEO) OpenAI Sam Altman đã thông báo kế hoạch mở văn phòng đại diện của công ty này tại Nhật Bản.
ChatGPT được phát hành vào tháng 11/2022, trở thành một phần của làn sóng được gọi là AI tạo sinh. Khác với các loại AI phổ biến khác, AI tạo sinh có khả năng tạo ra nội dung hoàn toàn mới - từ văn bản, hình ảnh, thậm chí cả mã phần mềm máy tính, thay vì chỉ đơn giản phân loại hay xác định dữ liệu.
Chat GPT hoạt động dưới dạng một chatbot AI có khả năng sản xuất nội dung từ văn bản đến hình ảnh, từ đó giúp giảm lượng công việc hành chính, phân tích dữ liệu, hỗ trợ trong việc tương tác nhiều hơn với khách hàng. Hiện Chat GPT đang là ứng dụng phát triển nhanh nhất trên thế giới và nhanh chóng chiếm lĩnh các văn phòng.
Trong bối cảnh xuất hiện quan ngại về cách ChatGPT thu thập và xử lý dữ liệu, giới chức Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận việc ban hành các quy định để quản lý ứng dụng này. Tuần trước, CEO Altman cho biết Open AI không có kế hoạch rời thị trường châu Âu dù trước đó công ty này đã để ngỏ khả năng này nếu không đáp ứng được các quy tắc của EU.