Báo cáo cũng nhấn mạnh mối lo ngại về tác động kinh tế tiêu cực từ sự mất giá của đồng tiền này.
Trong Sách Trắng năm nay, chính phủ cho biết, khi chính quyền của cựu Thủ tướng Shinzo Abe triển khai chính sách kích thích kinh tế “Abenomics” vào năm 2013, kỳ vọng lạm phát tăng cao đã giúp cải thiện tâm lý hộ gia đình. Tuy nhiên, sự gia tăng trở lại của kỳ vọng lạm phát kể từ giữa năm 2023 đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của các hộ gia đình, một phần vì công chúng phản ứng với các báo cáo về giá thực phẩm và chi phí nhập khẩu tăng do đồng yen yếu.
Theo Sách Trắng, “đồng yen yếu có nguy cơ làm giảm sức mua của người tiêu dùng” bằng cách đẩy lạm phát lên cao hơn mức tăng trưởng tiền lương.
Sau khi duy trì ở mức thấp nhất trong năm là xấp xỉ 160 yen đổi 1 USD trong phần lớn tháng 7/2024, đồng yen đã tăng giá mạnh trong những ngày qua sau quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vào ngày 31/7.
Tỷ giá đứng ở mức 149,07 yen đổi 1 USD tại châu Á trong ngày 2/8, khi các nhà đầu tư bắt đầu chuyển sự chú ý sang triển vọng tăng lãi suất đều đặn của BoJ diễn ra trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ bắt đầu chu kỳ nới lỏng tiền tệ vào tháng 9/2024.
Sách Trắng cũng cho biết, đồng yen giảm giá không còn thúc đẩy khối lượng xuất khẩu nhiều như trước nữa vì ngày càng nhiều nhà sản xuất Nhật Bản chuyển sản xuất ra nước ngoài. Ngược lại, đồng yen yếu còn có thể gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty nhỏ hơn vì làm tăng chi phí nhập khẩu nguyen liệu thô.
Đồng yen yếu đã trở thành mối lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách vì làm giảm mức tiêu dùng do tăng chi phí nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và nguyen liệu thô.
Dữ liệu chính thức cho thấy, chính quyền Nhật Bản đã chi 5.530 tỷ yen (37 tỷ USD) can thiệp vào thị trường ngoại hối trong tháng 7/2024 để kéo đồng yen khỏi mức thấp nhất trong năm qua là 160 yen đổi 1 USD.
BoJ cũng trích dẫn rủi ro lạm phát vượt mức do đồng yen yếu là một trong những lý do để tăng lãi suất.