Vốn quá quen với những trận động đất xảy ra như cơm bữa, nhưng người dân Nhật Bản vẫn kinh hoàng, hoảng loạn trước một trận động đất được ghi nhận là lớn nhất Nhật Bản và lớn thứ 7 thế giới với cường độ gần 9 độ Richter xảy ra ở vùng đông bắc lúc 12 giờ 46 ngày 11/3 (giờ Việt Nam).
Trận động đất kèm theo nhiều dư chấn đã gây ra sóng thần cao đến 10 m, cuốn phăng mọi thứ trên đường đi của nó, từ ô tô, ruộng vườn, tàu thuyền, đường sá đến nhà cửa.
Lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản
Theo hãng tin AP, tâm chấn trận động đất nằm ở độ sâu 10 km dưới đáy biển, cách phía đông quận Miyagi 125 km. Theo hãng tin Kyodo (Nhật Bản), đã có ít nhất 32 người thiệt mạng, nhiều người mất tích và bị thương. Trong khi đó, báo chí Nhật Bản đưa tin đã tìm thấy khoảng 200-300 thi thể tại thành phố Sendai, thủ phủ tỉnh Miyagi bị cơn sóng thần kinh hoàng tấn công. Tin cho biết có một tàu chở 100 người bị sóng thần cuốn trôi.
Ở quận Miyagi, trận động đất kéo dài vài phút này đã khiến sân bay Sendai phải đóng cửa. Nhà máy hạt nhân Onagawa trên bờ biển Thái Bình Dương tự động ngừng hoạt động. Ba cơ sở lọc dầu ở Sendai, Kashima và Negishi cũng bị đóng cửa.
Các phương tiện giao thông bị vùi lấp tại thành phố Mito, quận Ibaraki sau động đất. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Động đất ở Nhật Bản không ảnh hưởng đến Việt Nam
Ông Lê Huy Minh, Lãnh đạo Viện Vật Lý địa cầu – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho rằng trận động đất 8,9 độ Richter xảy ra ở Nhật Bản ngày 11/3 không ảnh hưởng tới Việt Nam. Do tâm chấn động đất ở đảo Honshu cách thủ đô Tôkyô 2 km về phía đông bắc và ở độ sâu 10 km dưới đáy biển nên khả năng ảnh hưởng xa nhất cũng chỉ tới Philíppin. Theo Cơ quan Theo dõi địa chấn của Mỹ, trong số các khu vực được cảnh báo có khả năng xảy ra sóng thần cũng không có tên Việt Nam. Thanh Hương |
Còn tại trung tâm thủ đô Tôkyô, các tòa nhà lớn rung chuyển dữ dội, trong khi người dân đổ xô ra đường phố lánh nạn. 30 phút sau trận động đất, nhiều tòa nhà cao tầng ở Tôkyô vẫn rung lắc còn mạng điện thoại di động không hoạt động được. Ít nhất đã có 10 đám cháy ở Tôkyô, trong đó có một tòa nhà lớn ở khu vực Odaiba. 4 triệu ngôi nhà đã bị cắt điện. Giao thông ở Nhật Bản hầu như tê liệt khi dịch vụ tàu lửa cao tốc Shinkansen cùng tàu điện ngầm ở trung tâm Tôkyô ngừng hoạt động.
Theo phóng viên TTXVN tại Tôkyô, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra chính sách cơ bản để xử lý các hậu quả của trận động đất này. Chính sách này bao gồm áp dụng tất cả biện pháp cần thiết để sơ tán người dân, cứu trợ và hỗ trợ những người bị ảnh hưởng; triển khai các nhóm cứu trợ khẩn cấp ở các khu vực bị ảnh hưởng, phối hợp chặt chẽ với các chính quyền địa phương.
Chính phủ Nhật Bản cũng cam kết cung cấp thông tin chính xác để những người bị ảnh hưởng, chính quyền địa phương và các tổ chức liên quan có thể quyết định và hành động. Trước đó, chính phủ Nhật Bản đã thành lập nhóm quản lý thảm họa có trụ sở tại Văn phòng Thủ tướng để thu thập thông tin về trận động đất này và xử lý các thảm họa có thể xảy ra. Tất cả các thành viên nội các đã được triệu tập tới Văn phòng Thủ tướng.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã triển khai máy bay để kiểm tra thiệt hại do trận động đất gây ra, trong khi các tàu quân sự ở căn cứ Yokosuka cách thủ đô Tôkyô khoảng 40 km đã được lệnh tới tỉnh Miyagi.Theo Chánh văn phòng nội các Yukio Edano, chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực hết sức để giải cứu các nạn nhân động đất và chuẩn bị tinh thần xử lý những thiệt hại khổng lồ.
Sau trận động đất ở Nhật Bản, Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương ở Hawaii đã phát cảnh báo sóng thần cho các nước và khu vực xung quanh gồm Nga, Đài Loan, đảo Mariana, đảo Marcus, đảo Wake. Các khu vực như Guam, Philíppin, đảo Marshall, Inđônêxia, Papua Niu Ghinê… cũng được cảnh báo cảnh giác với sóng thần dù nguy cơ thấp hơn.
Những đợt sóng thần đầu tiên đã tràn vào đảo Kuril của Nga, khiến 11.000 dân phải đi sơ tán và toàn bộ hoạt động kinh tế tạm ngừng. Trên đảo Hawaii (Mỹ), tiếng còi báo động vang lên khi người dân đảo này vội vã sơ tán khỏi khu vực ven bờ. Chính phủ Philíppin và Malaixia cũng thúc giục người dân sống ven bờ biển đi sâu vào trong đất liền đề phòng sóng thần.
Ô tô bị cuốn trôi tại khu vực đông bắc Nhật Bản sau động đất và sóng thần ngày 11/3. Ảnh: THX - TTXVN |
Theo Cơ quan khí tượng Nhật Bản, đây được coi là trận động đất lớn nhất lịch sử hiện đại Nhật Bản. Trận này mạnh hơn trận động đất 7,9 độ Richter xảy ra ngày 1/9/1923 khiến 140.000 người ở khu vực Tôkyô thiệt mạng. Trên thế giới, nó được ghi nhận là trận động đất lớn thứ 7. Với độ mạnh 8,9 trên thang độ 10 độ Richter, trận động đất này có sức tàn phá ngang 336 triệu tấn thuốc nổ TNT.
Theo bà Elisabeth Byrs thuộc Văn phòng điều phối hỗ trợ nhân đạo của Liên hợp quốc, 30 đội tìm kiếm và cứu nạn quốc tế đã sẵn sàng đến Nhật Bản để hỗ trợ quốc gia này. Nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ôxtrâylia, Nga, Mỹ… thông báo sẵn sàng chung vai sát cánh với Nhật Bản trong thời điểm khó khăn này.
Các thị trường chấn động
Trận động đất 8,9 độ Richter còn tạo ra một "dư chấn" trên các thị trường tài chính thế giới. Chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản giảm tới mức thấp nhất trong vòng 5 tuần qua khi kết thúc phiên 11/3 giảm 1,72% (179,95 điểm), còn 10.254,43 điểm. Có lúc chỉ số này còn giảm tới 5% giá trị. Chỉ số Topix cũng giảm 1,7%, còn 915,51 điểm. Cổ phiếu hàng loạt tên tuổi lớn như Honda, Kyocera và Fast Retailing đã giảm giá mạnh, mất từ 2,6 đến 2,9% giá trị. Đồng yên đã "định thần" lại dù trước đó rớt giá thê thảm tới 0,3% so với đồng USD sau khi mới có tin về động đất. Ngân hàng Nhật Bản cho biết sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo các thị trường tài chính ổn định.
Thảm họa động đất cũng ảnh hưởng tới các thị trường nước ngoài. Lúc mở cửa, các thị trường chứng khoán châu Âu như Anh, Pháp, Đức đều giảm điểm. Giá cổ phiếu của các công ty bảo hiểm châu Âu như Swiss Re, Hannover Re, Munich Re, Allianz… giảm mạnh. Trong đó, Swiss Re, một trong những công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới, có tổng giá trị bảo hiểm ở Nhật Bản lên tới 8 triệu USD.
Tại châu Á, lúc kết thúc phiên, chứng khoán Hồng Công giảm 1,55%, chứng khoán Trung Quốc giảm 0,79% đều tác động tiêu cực từ trận động đất ở Nhật Bản.
Theo hãng tin Reuters, trận động đất xảy ra khi nền kinh tế Nhật Bản đang có dấu hiệu phục hồi và chắc chắn sẽ khiến nhiều ngành kinh doanh chủ chốt ở Nhật Bản bị gián đoạn. Ông Tsutomu Yamada, một nhà phân tích thị trường Nhật Bản, nhận định: "Khó mà nói được mức độ thiệt hại nhưng dường như nền kinh tế phía bắc Nhật Bản bị tàn phá nặng nề. Chính phủ phải hành động nhanh chóng để đưa ra các gói hỗ trợ và ngân hàng trung ương sẽ phải bơm thêm tiền vào nền kinh tế".
5 trận động đất lớn nhất thế giới từ năm 1900
Thứ tự Địa điểm Thời gian Cường độ 1 Chilê 22/5/1960 9,5 2 Prince William Sound, Alaska, Mỹ 28/3/1964 9,2 3 Ngoài bờ biển phía tây của khu vực phía bắc Sumatra, Inđônêxia 26/12/2004 9,1 4 Bán đảo Kamchatka, miền Viễn Đông Nga 11/4/1952 9,0 5 Ngoài khơi Maule, Chilê 27/2/2010 8,8 |
Thanh Tùng (P/v TTXVN tại Tôkyô)
- Thùy Dương