Trang Al Jazeera cho biết Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản cáo buộc Trung Quốc “cố gắng thay đổi hiện trạng Biển Hoa Đông và Biển Đông”.
Theo Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản, tàu Trung Quốc đã “thường xuyên” xâm nhập vào vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Tài liệu cũng cho rằng Trung Quốc lợi dụng thời điểm các quốc gia phải nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 để thực hiện hành vi trái phép trên Biển Đông.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào ngày 13/7 khẳng định việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với những nguồn tài nguyên trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp. Theo lời Ngoại trưởng Pompeo, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý thích đáng về “đường 9 đoạn” tại Biển Đông kể từ khi chính thức loan báo vào năm 2009.
Theo phán quyết công bố ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan), yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Phán quyết của Tòa Trọng tài khẳng định Trung Quốc không có căn cứ lịch sử nào về vùng biển ở Biển Đông và Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong cái mà Bắc Kinh gọi là "đường 9 đoạn".
Nhật Bản coi Trung Quốc là mối đe dọa về dài hạn nghiêm trọng hơn cả Triều Tiên. Ngân sách Trung Quốc chi tiêu cho quốc phòng nhiều gấp 4 lần Nhật Bản.
Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản còn đánh giá rằng Trung Quốc dường như phải chịu trách nhiệm về “thông tin sai lệch” khiến cộng đồng “bối rối và không chắc chắn” về dịch COVID-19.
Thông tin sai lệch bao gồm việc quan chức Trung Quốc đăng tin trên mạng xã hội cáo buộc virus Corona do binh sĩ Mỹ đem đến nước này và thông tin cho rằng thuốc Đông y trị được COVID-19.