Hãng tin Jiji Press cho biết về nguyên tắc, các bệnh nhân COVID-19 không cần phải sử dụng máy trợ thở hoặc các phương thức chữa trị tiên tiến khác được phép ra viện sau 10 ngày kể từ khi bắt đầu có triệu chứng. MHLW đã cho phép các bệnh nhân nội trú như vậy chuyển viện, hoặc chuyển tới các cơ sở cách ly do chính phủ chỉ định hoặc cách ly tại nhà trước thời hạn nếu bác sỹ nhận định rằng nguy cơ bệnh diễn tiến nặng là thấp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hệ thống y tế ở nhiều địa phương sắp rơi vào tình trạng quá tải, MHLW dự kiến sẽ đưa ra khuyến nghị trên với các bệnh viện. Theo bộ này, mục đích của việc cho phép các bệnh nhân nội trú bắt đầu hồi phục ở nhà hoặc chuyển bệnh viện sớm là nhằm ngăn chặn tăng số bệnh nhân nội trú, qua đó giảm áp lực về nguồn lực y tế, trong đó có giường bệnh. Mặc dù vậy, riêng đối với các bệnh nhân cao tuổi, MHLW sẽ kêu gọi các bệnh viện phải đưa ra đánh giá một cách cẩn trọng.
Dịch COVID-19 đã bùng phát dữ dội ở Nhật Bản vào đầu năm nay, chủ yếu do sự xuất hiện của biến thể Omicron. Ngày 8/2, nước này ghi nhận thêm 92.078 ca mắc mới và 159 ca tử vong do COVID-19. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới ở Nhật Bản ở dưới ngưỡng 100.000 ca/ngày, nhưng là ngày có số ca tử vong cao nhất nếu không kể ngày 18/5/2021, khi Nhật Bản ghi nhận 216 ca tử vong, trong đó có 121 ca mà thành phố Kobe báo cáo chậm.
Trong một diễn biến liên quan khác, ngày 8/2, chính quyền 13 tỉnh, thành ở Nhật Bản đã yêu cầu chính quyền trung ương gia hạn áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm ở các địa phương này, dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 13/2, thêm 3 tuần. Các địa phương này gồm thủ đô Tokyo và các tỉnh Saitama, Chiba, Kanagawa, Gunma, Niitaga, Gifu, Aichi, Mie, Kagawa, Nagasaki, Kumamoto và Miyazaki. Đáp lại, Chánh Văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cho biết chính quyền trung ương sẽ “nhanh chóng cân nhắc các đề xuất đó”.
Thủ tướng Kishida Fumio dự kiến sẽ đưa ra quyết định trong cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của chính phủ vào ngày 10/2.