Theo chính sách trên, các lò phản ứng cũ vẫn có thể hoạt động sau khi hết thời hạn sử dụng theo quy định là 60 năm, với tổng thời gian sử dụng được tính theo cách trừ đi các khoảng thời gian mà chúng không hoạt động. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng quy định chỉ thay thế các lò phản ứng sắp ngừng hoạt động bằng các lò phản ứng tiên tiến, được coi là an toàn hơn so với các lò phản ứng thông thường, với mục tiêu bắt đầu vận hành các lò phản ứng thế hệ mới vào đầu thập kỷ tới.
Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ huy động khoảng 20.000 tỷ yen (151,9 tỷ USD) thông qua việc phát hành trái phiếu “chuyển đổi xanh” để thúc đẩy đầu tư cho các dự án giảm thải carbon.
Dự kiến Chính phủ Nhật Bản sẽ đệ trình lên Quốc hội để xem xét và thông qua các dự luật liên quan trong kỳ họp thường niên hiện nay nhằm hiện thực hóa chính sách mới.
Sau các sự cố liên tiếp ở Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) tại tỉnh Fukushima vào tháng 3/2011, Nhật Bản đã điều chỉnh chính sách năng lượng quốc gia theo hướng giảm dần tỷ trọng điện hạt nhân. Chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần khẳng định sẽ không xem xét xây dựng các lò phản ứng mới hoặc thay thế các lò phản ứng hiện có. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới tăng mạnh sau khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022, tác động tiêu cực tới an ninh năng lượng của Nhật Bản - một nước vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhiên liệu nhập khẩu, quan điểm về điện hạt nhân trong giới chức Nhật Bản đã có những thay đổi đáng kể. Mùa hè năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã chỉ thị cho nội các xem xét làm thế nào để có thể sử dụng các nhà máy điện hạt nhân một cách hiệu quả nhất.