Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, trong dự thảo sửa đổi Chương trình thúc đẩy giáo dục trẻ em và giới trẻ, dự kiến được thông qua vào cuối tháng 3 tới, Chính phủ Nhật Bản cho rằng dịch COVID-19 đã làm gia tăng sự bất an đối với trẻ em và giới trẻ. Việc triển khai các chính sách nhằm hạn chế tác động của dịch COVID-19 với nhóm đối tượng này là nhiệm vụ cấp bách và là vấn đề cực kỳ quan trọng trong chủ trương phòng chống tình trạng tự tử ở độ tuổi học sinh.
Cụ thể, Chính phủ Nhật Bản sẽ hoàn thiện hệ thống tư vấn, trao đổi, trong đó tận dụng ưu thế của các mạng xã hội vốn được sử dụng rộng rãi trong giới trẻ, tăng cường các trương trình giáo dục, đào tạo cho những trường hợp cần sự giúp đỡ, hình thành các mối liên kết tại nơi ở nhằm giảm thiểu tình trạng cô độc trong bối cảnh COVID-19 bùng phát khiến hoạt động giáo dục và xã hội bị hạn chế.
Theo bộ Văn hóa và Giáo dục Nhật Bản, năm 2020 tại nước này có 479 người tự tử trong độ tuổi tiểu học đến trung học - con số cao nhất trong lịch sử và tăng 140 người so với năm 2019. Nguyên nhân tự tử chủ yếu liên quan đến thành tích học tập, cha mẹ bất hòa. Trong Sách Trắng về chính sách phòng chống tự tử năm 2020, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản cũng nêu rõ số người tự tử trong độ tuổi từ 15 đến 39 tại nước này chiếm tỷ lệ cao nhất.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh cần thúc đẩy chính sách nhằm giảm thiểu các yếu tố gia đình làm ảnh hưởng đến quá trình học tập tại nhà trường, ngăn chặn tình trạng bắt nạt, thóa mạ trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ thành lập phòng chuyên trách vấn đề này, trực thuộc Văn phòng Nội các, để quản lý và thúc đẩy triển khai các mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Chương trình thúc đẩy giáo dục giới trẻ và trẻ em được chính phủ Nhật Bản ban hành năm 2010 và được sửa đổi 5 năm một lần và năm nay là lần sửa đổi thứ ba. Chính quyền các địa phương có nghĩa vụ xây dựng các kế hoạch triển khai cụ thể dựa trên chương trình chung của Chính phủ Nhật Bản.