Động thái này được cho là một bước đi quan trọng trong tham vọng biến Nhật Bản thành một trung tâm cờ bạc châu Á.
Hãng thông tấn Kyodo cho hay khi Nhật Bản dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại trong đại dịch COVID-19, một số chính quyền địa phương quay trở lại ý tưởng thu hút khách du lịch đến khu nghỉ dưỡng tích hợp (IR), bao gồm một khách sạn lớn, phòng hội nghị và khu vực sòng bạc.
Các nguồn tin tiết lộ chính quyền trung ương sẽ tổ chức một cuộc họp sớm nhất vào ngày 14/4. Tại đây, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và các bộ trưởng liên quan dự kiến phê duyệt kế hoạch IR của Osaka.
Trước đó, chính quyền tỉnh và thành phố Osaka đặt mục tiêu hoàn thành việc xây dựng và mở khu nghỉ dưỡng tích hợp trước mùa đông năm 2029 trên hòn đảo nhân tạo Yumeshima ở Vịnh Osaka.
Là ý tưởng hợp tác giữa MGM Resorts International của Mỹ và tập đoàn Orix của Nhật Bản, khu nghỉ dưỡng tích hợp dự kiến thu hút khoảng 20 triệu du khách hàng năm và mang lại 1,14 nghìn tỷ yên (khoảng 8,5 tỷ USD) lợi ích kinh tế hàng năm cho khu vực phía Tây Nhật Bản.
Bên cạnh Osaka, tỉnh Nagasaki cũng đã đệ trình kế hoạch tổ chức IR. Tuy nhiên, chính quyền trung ương có khả năng hoãn bất kỳ quyết định nào với lý do cần thêm thời gian để đánh giá thêm các chi tiết phát triển xây dựng.
Ngày 20/7/2018, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua một đạo luật cho phép phát triển tối đa 3 dự án IR. Tuy nhiên, các kế hoạch kích thích nền kinh tế thông qua khu nghỉ dưỡng tích hợp sòng bạc đã vấp phải sự phản đối của công chúng phần lớn do lo ngại về tác động tiêu cực của cờ bạc. Việc phê duyệt kế hoạch Osaka dự kiến diễn ra vào năm ngoái cũng bị trì hoãn do lo ngại về nguy cơ hóa lỏng và ô nhiễm đất ở đảo Yumeshima.
Trong một cuộc khảo sát do hãng thông tấn Kyodo thực hiện ngay sau khi luật được thông qua, có tới 64,8% người tham gia bày tỏ họ phản đối việc xây dựng các casino và chỉ có 26,7% đồng ý.
Một trong những nhân vật lên tiếng phản đối mạnh mẽ nhất là Teruo Sakurada, Giáo sư tại Đại học Hannan ở Osaka kiêm Chủ tịch Mạng lưới Công dân Stop Casino Osaka.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình DW của Đức, ông Teruo nhấn mạnh: “Chính phủ nói rằng các dự án casino sẽ có tác động kinh tế tích cực đến toàn quốc, nhưng nghiên cứu của tôi cho thấy chỉ có những doanh nghiệp vận hành mới kiếm được những số tiền khổng lồ, còn người dân bình thường, những người có ít khả năng nhất trong xã hội và đang phải vật lộn để tồn tại, sẽ cạn túi và thua cuộc”.
Chính quyền thành phố và tỉnh Osaka đã nộp đơn đăng ký tổ chức Hội chợ triển lãm quốc tế 2025, với một khu nghỉ dưỡng tích hợp mới là tâm điểm trong chiến dịch quảng bá.
Để thể hiện sự phản đối của mình, Giáo sư Teruo đã viết thư cho ban thư ký của sự kiện, chỉ ra rằng phần lớn người Nhật Bản phản đối sòng bạc, với ước tính có khoảng 5 triệu người nghiện cờ bạc ở Nhật Bản và khuyến khích công chúng đánh bạc đi ngược với mục tiêu của các nhà tổ chức hội chợ.
"Chính phủ cam kết đây sẽ là sòng bạc minh bạch nhất thế giới và sẽ sử dụng các biện pháp chống nghiện cờ bạc ở mức cao nhất thế giới nhưng không có liệu pháp hiệu quả nào cho chứng nghiện cờ bạc. Chúng tôi tin rằng biện pháp chống nghiện hiệu quả nhất đơn giản là không tạo ra những nơi để đánh bạc”, ông Teruo nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, một trong những mối lo khác của công chúng về việc mở cửa sòng bạc là có sự “nhúng tay” của những băng nhóm tội phạm.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với báo Asahi, một thành viên cấp cao của một trong các nhóm tội phạm có tổ chức cho biết băng đảng trong thế giới ngầm "yakuza" sẽ tìm cách tham gia vào việc xây dựng và vận hành các sòng bạc, bao gồm thông qua việc ký hợp đồng thầu phụ, cung cấp các khoản vay cho những người đánh bạc đang thua và thậm chí còn lôi kéo các thành viên băng đảng vào sòng bạc để làm người chia bài nhằm đảm bảo rằng một số con bạc “chỉ định” sẽ thắng.