Nhật Bản chuyển sản xuất sang Trung Quốc: Lợi bất cập hại

Trong bối cảnh Trung Quốc thắt chặt việc xuất khẩu đất hiếm, các nhà sản xuất Nhật Bản có thể tìm ra phương cách để giải quyết vấn đề nguồn cung của mình, đó là chuyển sản xuất sang Trung Quốc. Theo đó, với việc mở nhà máy tại Trung Quốc, các nhà sản xuất "xứ Phù Tang" có thể mua rẻ các kim loại này và xuất khẩu sản phẩm hoàn chỉnh mà không bị hạn chế bởi hệ thống hạn ngạch.

Những mỏ đất hiếm như thế này là lý do khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chuyển cơ sở sản xuất sang Trung Quốc.Ảnh: Internet


Tập đoàn Hitachi Metals (Nhật Bản), nhà sản xuất nam châm từ tính lớn nhất thế giới, dự tính sẽ di dời hoạt động sản xuất sang Trung Quốc và Mỹ, nơi có mỏ đất hiếm lớn sẽ được tái khai thác vào năm 2012. Neo Material Technologies, một công ty đất hiếm của Canađa cũng đã liên doanh với một công ty Nhật Bản để thiết lập một liên doanh sản xuất kính từ đất hiếm tại Trung Quốc. Showa Denko KK, nhà sản xuất hợp kim đất hiếm hàng đầu thế giới, vừa tuyên bố sẽ tăng sản lượng của công ty liên doanh với Trung Quốc lên 3.000 tấn/năm.

Tuy nhiên điều này lại khiến cho Bộ Thương mại của Nhật Bản không hài lòng, do cho rằng sự di chuyển sản xuất nói trên sẽ dẫn tới việc rò rỉ công nghệ sản xuất các sản phẩm kỹ thuật cao của Nhật Bản, đặc biệt là nam châm sử dụng trong xe lai (hybrid), hiện chỉ được sản xuất bởi 3 công ty của Nhật Bản. Một quan chức của Nhật Bản cho biết, Trung Quốc đang hướng tới các bí quyết mà các tập đoàn nước ngoài sẽ mang lại trong việc hợp tác với các công ty của Trung Quốc nhằm tiếp cận nguồn đất hiếm của Trung Quốc và rõ ràng công nghệ sản xuất nam châm công nghệ cao của Nhật Bản đang là mục tiêu. Một số nhà quan sát còn cảnh báo việc di dời sản xuất sang Trung Quốc có thể làm lung lay vị thế về công nghệ của Nhật Bản, đồng thời gây thiệt hại cho ngành sản xuất của đất nước này, sau khi đã bị chao đảo bởi thảm họa động đất, sóng thần và sự cố khủng hoảng hạt nhân hồi tháng 3 năm nay.

Nhật Bản đã chi 54 tỷ yên (704 triệu USD) để khuyến khích các công ty sử dụng đất hiếm thiết lập nguồn cung và phát triển công nghệ tái chế, song dự kiến vẫn không có nguồn cung đáng kể nào ngoài Trung Quốc cho đến năm 2013. Bên cạnh đó, sự không ổn định của ngành đất hiếm mới mở rộng bên ngoài Trung Quốc có thể gây nguy hại tới nguồn cung dài hạn.

Giá đất hiếm đã tăng mạnh do Trung Quốc, nhà sản xuất 95% sản lượng đất hiếm trên thế giới, liên tiếp cắt giảm kim ngạch xuất khẩu từ 60.000 tấn năm 2007 xuống còn 30.184 tấn năm 2011.

Hiện đất hiếm được sử dụng để sản xuất loại nam châm nhỏ và có từ tính cao hơn so với loại nam châm truyền thống. Đây là linh kiện quan trọng để chế tạo điện thoại thông minh và máy tính bảng. Thành phần chính để sản xuất loại nam châm này là neodymium oxide, hiện có giá 217 USD/kg tại Trung Quốc và 370 USD/kg ở bên ngoài Trung Quốc. Năm 2008, giá neodymium oxide chỉ là 27 USD/kg.

TKT

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN