Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura, người phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản cho biết chính phủ sẽ đưa ra quyết định về cần phải làm gì với tình trạng khẩn cấp vào thời điểm thích hợp.
Theo Đài truyền hình NHK, chính phủ dự định sẽ xem xét liệu có nên gia hạn tình trạng khẩn cấp hay không sau khi theo dõi sát sao tình hình lây lan của dịch bệnh trên khắp cả nước và mức độ căng thẳng của hệ thống y tế.
Trước đó, ngày 7/1, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và ba tỉnh lân cận từ ngày 8/1. Sau đó, phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp đã được mở rộng ra 7 tỉnh khác, gồm Osaka, Kyoto, Hyogo, Aichi, Gifu, Tochigi và Fukuoka vào ngày 13/1. Theo dự kiến, tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực tới ngày 7/2.
Tại thời điểm hiện nay, có một số dấu hiệu cho thấy tình hình dịch COVID-19 ở Nhật Bản đã bắt đầu lắng dịu khi số ca nhiễm mới trên toàn quốc trong tuần từ ngày 19 - 25/1 đã giảm gần 19% so với tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần từ ngày 19-25/1, Nhật Bản đã phát hiện thêm 35.196 ca nhiễm mới, giảm gần 19% so với con số 41.778 ca được ghi nhận trong tuần trước đó. Đây là tuần thứ 2 liên tiếp số ca nhiễm mới ở nước này giảm. Đáng chú ý, tại thủ đô Tokyo, số ca nhiễm mới đã lần đầu tiên giảm xuống dưới ngưỡng 700 ca/ngày vào ngày 25/1.
Ngày 26/1, Nhật Bản phát hiện thêm 3.853 ca nhiễm mới, thấp hơn rất nhiều so với con số khoảng 5.300 ca được ghi nhận trước đó một tuần, và thêm 104 người tử vong vì dịch COVID-19. Số bệnh nhân nguy kịch đã lần đầu tiên giảm xuống dưới ngưỡng 1.000 trong hơn 1 tuần xuống còn 996 người. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo đã lần đầu tiên tăng vượt ngưỡng 1.000 trong ba ngày lên 1.026 người, trong khi số ca nguy kịch là 148.
Theo các chuyên gia y tế, mặc dù tốc độ lây lan của dịch bệnh đã chậm lại nhưng tỷ lệ người già nhiễm bệnh lại đang tăng lên. Trong khi đó, các bệnh viện vẫn đang trong tình trạng căng thẳng, và nhiều người lo ngại số ca nguy kịch có thể tăng hơn nữa trong số các bệnh nhân cao tuổi.
Trong bối cảnh đó, chính quyền các địa phương ở Nhật Bản đang tích cực chuẩn bị để triển khai việc tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Tuy nhiên, họ đang phải đối mặt với nhiều thách thức như lựa chọn địa điểm tiêm phòng, đảm bảo đủ nhân viên y tế và cung cấp thông tin cho người dân. Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ bắt đầu chương trình tiêm phòng vaccine phòng dịch vào cuối tháng 2. Khoảng 10.000 đến 20.000 bác sĩ và y tá sẽ được tiêm phòng trước, sau đó đến lượt các nhân viên y tế khác, người già và những người có bệnh lý nền.
Trong một diễn biến liên quan khác, ngày 26/1, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền và đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ) đối lập đã bắt đầu thảo luận để điều chỉnh các dự luật do chính phủ đề xuất nhằm sửa đổi các luật liên quan tới công tác phòng chống dịch COVID-19. CDPJ yêu cầu bỏ quy định phạt tù đối với những người không chịu nhập viện sau khi mắc COVID-19, đồng thời đề nghị bổ sung điều khoản quy định chính phủ có nghĩa vụ thông báo cho Quốc hội bất cứ kế hoạch nào trước khi ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19.