Nhật Bản đẩy mạnh tuyển dụng nhân viên chăm sóc sức khỏe từ Đông Nam Á

Với việc dân số Nhật Bản ngày càng già hóa, nhu cầu chăm sóc người cao tuổi đang gia tăng đáng kể.

Chú thích ảnh
Hiện tại có khoảng 2,15 triệu nhân viên chăm sóc điều dưỡng, nhưng ước tính Nhật Bản sẽ thiếu hụt khoảng 250.000 nhân viên vào năm tài chính 2026. Ảnh: ST

Từ năm tài khóa 2025, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản sẽ đẩy mạnh chiến lược tuyển dụng nhân viên chăm sóc từ các nước Đông Nam Á để đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng trong ngành này.

Với việc dân số Nhật Bản ngày càng già hóa, nhu cầu chăm sóc người cao tuổi đang gia tăng đáng kể.

Theo ước tính, đến năm 2025, cứ 5 người Nhật Bản thì sẽ có 1 người trên 75 tuổi. Hiện tại, Nhật Bản có khoảng 2,15 triệu nhân viên chăm sóc, nhưng dự báo sẽ thiếu hụt 250.000 người vào năm tài khóa 2026 và khoảng 570.000 người vào năm 2040.

Để giải quyết vấn đề, Bộ Y tế Nhật Bản sẽ chi trả một phần chi phí mà các nhà vận hành cơ sở chăm sóc tại Nhật phải bỏ ra khi tuyển dụng nhân viên từ nước ngoài. Đồng thời, chương trình đào tạo chuyên ngành chăm sóc sẽ được triển khai tại Indonesia.

Ngoài ra, chính phủ Nhật sẽ trợ cấp chi phí đi lại cho các công ty quản lý viện dưỡng lão đặc biệt (tokuyo) và trường dạy nghề đào tạo nhân viên chăm sóc.

Các hội thảo giới thiệu cơ hội làm việc tại Nhật Bản sẽ được tổ chức tại các trường tiếng Nhật và cơ quan phái cử ở các quốc gia như Việt Nam và Myanmar.

Người trẻ tại địa phương sẽ được giải thích chi tiết về lợi ích khi làm việc tại Nhật Bản cũng như các điều kiện tuyển dụng.

Chính phủ cũng hỗ trợ tài chính cho các hoạt động phỏng vấn và tuyển dụng, với mức trợ cấp lên tới 1 triệu yên (khoảng 6.500 USD) cho mỗi công ty. Dự kiến, khoảng 100 doanh nghiệp sẽ tham gia chương trình này trong năm tài khóa 2025.

Indonesia, một quốc gia tích cực gửi lao động ra nước ngoài, sẽ là trọng tâm của chương trình hợp tác này.

Từ năm 2025, Nhật Bản sẽ triển khai chương trình đào tạo kéo dài ba năm mang tên Kaigo, tập trung đào tạo kỹ thuật chăm sóc và kiến thức về hệ thống bảo hiểm chăm sóc của Nhật Bản.

Ba chuyên gia từ Bộ Y tế và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ được cử đến Indonesia để hỗ trợ chương trình.

Kaigo sẽ hướng đến đào tạo giảng viên và học sinh tại các trường công lập đào tạo nghề chăm sóc.

Trong bối cảnh Đức và nhiều quốc gia khác cũng đang tích cực tuyển dụng lao động từ Indonesia, Nhật Bản cần tăng cường các biện pháp thu hút nhân tài.

Tính đến cuối năm 2023, chỉ khoảng 28.400 lao động nước ngoài có thị thực lao động kỹ năng làm việc trong lĩnh vực chăm sóc tại Nhật Bản, tương đương hơn 50% mục tiêu của chính phủ.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Quỹ công việc chăm sóc Tokyo vào năm 2023, chỉ 10% cơ sở chăm sóc tại Nhật Bản tuyển dụng lao động nước ngoài, trong khi 60% báo cáo thiếu nhân sự.

Giáo sư Noriko Tsukada, chuyên gia lão khoa xã hội tại Đại học Nihon, nhấn mạnh rằng cần nâng cao mức lương và điều kiện làm việc để ngành chăm sóc trở nên hấp dẫn hơn với lao động nước ngoài. Bà nói: “Chính phủ cần hỗ trợ chi phí đào tạo và tạo môi trường làm việc thân thiện hơn”.

Với các chính sách mới, Nhật Bản kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động trong ngành chăm sóc, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ cho xã hội già hóa nhanh chóng.

Phúc Hưng/Báo Tin tức (Theo JAPAN NEWS/ST)
LHQ kêu gọi viện trợ 1,4 tỷ USD để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em
LHQ kêu gọi viện trợ 1,4 tỷ USD để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em

Ngày 5/12, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã kêu gọi viện trợ 1,4 tỷ USD cho năm 2025 nhằm triển khai các chương trình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và ngăn ngừa bạo lực giới cho hơn 45 triệu phụ nữ và trẻ em gái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN