Theo thống kê ngày 30/4, tỉnh Osaka ghi nhận 1.043 ca mắc COVID-19, tỉnh Hyogo là 333 ca và 126 ca ở tỉnh Kyoto. Nghiêm trọng nhất là tại Osaka với 8 ca tử vong và tỷ lệ sử dụng giường bệnh đã lên đến 98,3%, có tới ca bệnh nặng không thể được đảm bảo điều trị đúng quy trình vì thiếu giường bệnh.
Trong một diễn biến khác, với nỗ lực đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng tại Vùng thủ đô, tối ngày 30/4, Bộ Quốc phòng và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của Sở chỉ huy hỗn hợp. Cuộc họp quyết định trưng dụng một toàn nhà hành chính tại Otemachi, thủ đô Tokyo làm trung tâm tiêm chủng. Dự kiến trung tâm sẽ hoạt động trong 3 tháng từ ngày 24/5, thời gian phục vụ từ 8 giờ đến 20 giờ mỗi ngày, kể cả ngày lễ và thứ 7, Chủ nhật.
Trước mắt, Trung tâm này sẽ tập trung tiêm vaccine cho đối tượng là người già, người mắc bệnh nền tại Tokyo và các địa phương lân cận như Kanagawa, Chiba và Saitama. Ngoài ra, ngày 1/5, SDF cũng đã cử nhân viên đến Osaka để khảo sát vị trí đặt trung tâm tương tự mô hình này ở Tokyo. Sau đó, việc điều động cán bộ, nhân viên của SDF trên toàn quốc đến các trung tâm này tại Tokyo và Osaka để phục vụ chiến dịch tiêm chủng, sẽ được quyết định vào ngày 7/5.
Một tín hiệu lạc quan khác là lô vaccine đầu tiên của hãng dược phẩm Mỹ Moderna đã đến sân bay quốc tế Kansai của Nhật Bản vào ngày 30/4. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), dự kiến chính phủ nước này sẽ cấp phép lưu hành cho vaccine của hãng Moderna vào ngày 21/5 và chính thức cùng với vaccine Pfizer tham gia vào chiến dịch tiêm chủng tại Nhật Bản. Trước đó, công ty dược phẩm Takeda, đơn vị phụ trách thử nghiệm lâm sàng và phân phối vaccine tại Nhật Bản, đã nộp đơn xin phê duyệt lên MHLW vào tháng 3 vừa qua. Để rút ngắn thời gian kiểm định chất lượng vaccine, Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng hình thức “phê duyệt đặc biệt”, đồng thời cho phép sử dụng dữ liệu thử nghiệm lâm sàng ở nước ngoài để phục vụ công tác đánh giá kiểm định chất lượng vaccine trong nước.
Cùng ngày 30/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna vào danh mục sử dụng khẩn cấp. Đây là loại vaccine phòng COVID-19 thứ 5 được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp, bên cạnh của Pfizer BioNTech, AstraZeneca, Janssen và Viện Serum Ấn Độ. Trước đó, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã cấp phép đối với loại vaccine này.