Sau khi ký Hiệp định thương mại mới với Mexico và Canada (USMCA), phiên bản mới của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với các điều khoản tốt hơn cho Mỹ, Tổng thống Trump ngày 1/12 đã nhất trí với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng hợp tác giải quyết các vấn đề như chuyển giao công nghệ bắt buộc và bảo vệ sở hữu trí tuệ để đổi lấy việc Mỹ hoãn áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong vòng 90 ngày.
Những diễn biến như vậy bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng (G20) tại Buenos Aires, Argentina diễn ra trong bối cảnh Washington chuẩn bị khởi động đàm phán với Tokyo về một thỏa thuận thương mại song phương vào giữa tháng 1/2019, trong đó ông Trump quyết tâm giảm thặng dư thương mại của Nhật Bản với Mỹ.
Là người ủng hộ cơ chế thương mại "công bằng" và "có qua có lại", Tổng thống Trump đã kêu gọi giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với các đối tác thương mại như Trung Quốc, Mexico và Nhật Bản. Trong cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở thủ đô Argentina, ông Trump đã gọi mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản là "lớn" và "khá đáng kể", đồng thời nhấn mạnh: "Chúng tôi hy vọng sẽ nhanh chóng cân bằng (mức thâm hụt) này".
Trong khi các quan chức Nhật Bản nhất quyết muốn Tokyo và Washington chỉ hướng tới một thỏa thuận thương mại song phương về hàng hóa, thì các quan chức Mỹ tập trung thúc đẩy cả vấn đề dịch vụ và thậm chí là một điều khoản để ngăn chặn phá giá tiền tệ trong thỏa thuận này.
Theo ông Benjamin Self, Phó Chủ tịch Hiệp hội Maureen and Mike Mansfield, có trụ sở tại Washington, phía Nhật Bản hy vọng kéo dài đàm phán trong khả năng có thể, thậm chí chờ cho đến khi hết nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Ngoài ra, các nhà đàm phán Nhật Bản sẽ nhất trí thúc đẩy một thỏa thuận quy mô nhỏ hơn nếu nhà lãnh đạo Mỹ muốn nhanh chóng đạt được một FTA với Nhật Bản.
Các nhà phân tích cho rằng trong các cuộc đàm phán với Nhật Bản, chính quyền Tổng thống Trump dự kiến sẽ đòi hỏi được tăng cường tiếp cận thị trường ô tô Nhật Bản, cũng như thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản mở rộng sản xuất tại Mỹ, nhằm giảm xuất khẩu sang nước này và tạo thêm việc làm cho người dân.
Tổng thống Trump coi ô tô là biểu tượng của mất cân bằng thương mại với Nhật Bản, bởi ô tô và phụ tùng ô tô chiếm khoảng 75% thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản tính đến năm 2017. Ngoài ô tô, lĩnh vực nông nghiệp dự kiến sẽ là vấn đề đàm phán khó khăn giữa hai nước.