Để chuẩn bị cho chương trình tiêm chủng đại trà, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đã phối hợp với thành phố Kawasaki thuộc tỉnh Kanagawa tổ chức cuộc diễn tập tiêm phòng vaccine quy mô lớn vào ngày 27/1. Trong cuộc diễn tập này, các bác sĩ và y tá cùng với khoảng 20 người đóng vai người đi tiêm chủng đã tiến hành các trình tự tiêm chủng để kiểm tra xem họ có thể tiếp nhận bao nhiêu người tới tiêm phòng trong vòng 1 giờ và những trường hợp nào có thể làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm trong quá trình tiêm chủng.
MHLW dự kiến sẽ cung cấp thông tin và bài học rút ra từ cuộc diễn tập này cho các chính quyền địa phương để đảm bảo rằng họ có thể triển khai chương trình tiêm chủng một cách suôn sẻ. Tuy nhiên, bộ trên tỏ ra thận trọng về việc cấp giấy chứng nhận đã tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho người dân vì lo ngại điều này có thể gây ra tình trạng phân biệt đối xử.
Mặc dù công tác chuẩn bị để triển khai chương trình tiêm chủng đang diễn ra hết sức khẩn trương, nhưng theo Bộ trưởng Cải cách Hành chính Taro Kono, người được chính phủ giao phụ trách chương trình tiêm chủng này, việc tiêm phòng cho những người từ 65 tuổi trở lên không thể diễn ra trước tháng 4. Trong trường hợp diễn ra vào tháng 4, việc tiêm phòng cho các đối tượng này có thể sẽ kết thúc vào tuần thứ ba của tháng 6. Trong thời gian đầu, chính phủ sẽ ưu tiên tiêm phòng cho các nhân viên y tế.
Trong một diễn biến liên quan, hãng dược phẩm AstraZeneca của Anh dự định sẽ sản xuất vaccine phòng dịch COVID-19 ở Nhật Bản. Tháng 12/2020, công ty này đã ký hợp đồng cung cấp 120 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho Chính phủ Nhật Bản, trong đó 30 triệu liều sẽ được bàn giao vào tháng 3. AstraZeneca cho biết để đẩy nhanh việc cung cấp, công ty sẽ bắt đầu sản xuất vaccine ở Nhật Bản trong tương lai gần bằng cách thuê một số công ty ở nước này, trong đó có một hãng dược phẩm ở tỉnh Hyogo, sản xuất. AstraZeneca dự kiến sẽ cung cấp khoảng 90 triệu liều vaccine sản xuất ở Nhật Bản cho chương trình tiêm chủng của nước này nếu MHLW cấp phép lưu hành vaccine của AstraZeneca. Hiện tại, AstraZeneca vẫn đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine ở Nhật Bản.
Trong khi đó, các hãng chế tạo Nhật Bản cũng đang tập trung để sản xuất các thùng bảo ôn có nhiệt độ siêu thấp để bảo quản vaccine COVID-19. Trong tháng 2, công ty sản xuất thiết bị y tế PHC Holdings dự định sẽ tăng gấp đôi sản lượng thùng bảo ôn có nhiệt độ siêu thấp có thể bảo quản vaccine ở nhiệt độ -80 độ C, vốn thích hợp để bảo quản vaccine của hãng Pfizer/BioNTech. PHC đang có thị phần lớn thứ hai thế giới trong mảng chế tạo các thùng bảo ôn. Cùng với PHC, hãng sản xuất đồ gia dụng Twinbird cũng đã tăng sản lượng thùng bảo ôn lên gấp 10 lần. Các thùng bảo ôn của Twinbird có thể bảo quản các hàng hóa trong nhiệt độ tới -40 độ C, thích hợp để bảo quản vaccine do hãng dược phẩm Moderna của Mỹ bào chế.
Liên quan tới tình hình dịch bệnh ở Nhật Bản, ngày 27/1, nước này phát hiện thêm 3.970 người mắc COVID-19, trong đó thủ đô Tokyo có 973 ca, và có thêm 90 người tử vong vì dịch bệnh này, trong đó Tokyo và Osaka ghi nhận số người tử vong cao kỷ lục, tương ứng là 18 và 23. Số ca nguy kịch cũng tăng lên 1.043, cao nhất từ trước tới nay.