Nhật Bản đưa ra tiêu chí mới đánh giá tình hình dịch bệnh COVID-19

Giới chức Nhật Bản ngày 8/11 cho biết tiêu chí mới để đánh giá tình hình dịch bệnh COVID-19 tại nước này sẽ tập trung nhiều hơn vào công suất bệnh viện, thay vì số ca nhiễm mới trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng vaccine đạt mức cao và ngày càng ít bệnh nhân chuyển nặng.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Yokohama, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Hệ thống đánh giá tình hình dịch bệnh COVID-19 mới được phân loại theo 5 cấp độ, tăng từ 4 cấp độ hiện tại, để ngăn chặn một làn sóng lây nhiễm khác cũng như tránh cho hệ thống dịch vụ y tế chịu nhiều sức ép. 

Theo quan chức trên, một tiểu ban ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản đã thông qua tiêu chí đánh giá mới. 

Chính phủ Nhật Bản sẽ dựa trên các cấp độ đánh giá mới này để xem xét quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp, trong khi chính quyền các tỉnh đã sử dụng thang đánh giá mới để quyết định đưa ra các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh thích hợp. Hệ thống đánh giá mới sẽ có thêm thông tin dự báo về tình trạng giường bệnh sẵn có và có thể cảnh báo nguy cơ đối với hệ thống y tế một khi dịch bệnh tái bùng phát.

Quyết định trên được đưa ra sau khi số bệnh nhân COVID-19 thể nặng tại Nhật Bản đã giảm mạnh trong thời gian gần đây trong bối cảnh 70% dân số của nước này đã hoàn thành tiêm chủng.

Ông Shigeru Omi, cố vấn COVID-19 hàng đầu của Nhật Bản và là người đứng đầu tiểu ban, cho biết các tiêu chí mới được xây dựng nhằm khôi phục cuộc sống và các hoạt động kinh tế thường nhật. Ông Omi nhấn mạnh quan trọng nhất hiện nay là Nhật Bản đảm bảo dịch bệnh luôn ở cấp độ 1 trong bối cảnh có nhiều lo ngại về làn sóng dịch bệnh mới vào mùa đông năm nay. 

Theo thang đánh giá mới gồm 5 cấp độ, cấp độ 0 là không có bất cứ ca mắc mới nào, cấp độ 1 là hệ thống y tế có thể ứng phó với dịch COVID-19 ở mức ổn định; cấp độ 2 cảnh báo số ca mắc mới tăng, gây sức ép cho hệ thống y tế; cấp độ 3 là hơn 50% giường bệnh đã kín chỗ, và cần ban bố tình trạng khẩn cấp; ở cấp độ 4, bệnh viện không thể tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 ngay cả khi cắt giảm các dịch vụ khám chữa bệnh tổng hợp. 

Hiện mức 4 trong thang đánh giá tình hình dịch bệnh hiện hành của Nhật Bản cũng là mức nghiêm trọng nhất. Ở cấp độ này, Nhật Bản phải kích hoạt tình trạng khẩn cấp khi số ca dương tính trung bình trong 7 ngày là 25/100.000 ca.

* Trong khi đó, phần lớn các địa phương của Nga ngày 8/11 đã khôi phục trạng thái bình thường mới sau 1 tuần thực hiện lệnh đóng cửa các cơ quan, công sở trên cả nước từ ngày 30/10 - 7/11 để ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp. 

Hiện chỉ có 5 vùng, trong đó có vùng Bryansk ở miền Tây và vùng Novgorod ở Tây Bắc quyết định gia hạn lệnh đóng cửa nói trên. Tuy nhiên, các địa phương dù không gia hạn nhưng cũng tăng cường các biện pháp như quy định bắt buộc người dân phải trình chứng nhận đã tiêm chủng khi đến các địa điểm công cộng: nhà hàng, quán cà phê, trung tâm thương mại... Riêng thủ đô Moskva không yêu cầu người dân trình chứng nhận tiêm chủng khi tham gia hầu hết các hoạt động tại nơi công cộng dù đang là tâm dịch.

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng sẽ phải mất 1 tuần để đánh giá hiệu quả của biện pháp đóng cửa cơ quan, công sở.

Với trên 8,8 triệu ca mắc kể từ khi dịch bùng phát, Nga hiện là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 trên thế giới và mùa thu năm nay, Nga đã liên tục ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong hằng ngày do COVID-19 ở mức cao chưa từng thấy. 

Ngày 8/11, giới chức Nga cho biết trong 24 giờ qua, nước này có 39.400 ca mắc mới và 1.190 ca tử vong. Mặc dù Nga tìm cách mở rộng chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sử dụng vaccine sản xuất trong nước song đến nay chỉ có 1/3 dân số nước này hoàn thành tiêm chủng

Lan Phương (TTXVN)
Để nhân viên trở lại văn phòng làm việc an toàn sau đại dịch COVID-19
Để nhân viên trở lại văn phòng làm việc an toàn sau đại dịch COVID-19

Chất lượng không khí trong phòng kín và hệ thống lưu thông không khí của các tòa nhà văn phòng nên được chú trọng khi các công ty đưa nhân viên trở lại làm việc trực tiếp. Đây là lời khuyên từ chuyên gia Mỹ khi các công ty ở nước này đều đang triển khai các kế hoạch để đón nhân viên trở lại làm việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN