Đây là ngày đầu tiên Tokyo ghi nhận số ca nhiễm mới trên 100, nhưng là ngày thứ 7 liên tiếp có trên 50 ca nhiễm mới kể từ khi Chính phủ Nhật Bản tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại nước này ngày 25/5 vừa qua.
Thị trường chứng khoán Tokyo đã có biến động ngay sau khi có thông tin trên, theo đó lệnh bán cổ phiếu không ngừng được đưa ra do các nhà đầu tư lo ngại thông tin về dịch bệnh sẽ bất lợi và ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế vừa được nối lại.
Trước đó, trong ngày 1/7, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tại Nhật Bản đã trình lên Thủ tướng Shinzo Abe kiến nghị bổ sung hệ thống xét nghiệm và tăng cường hệ thống y tế để chuẩn bị đối phó với làn sóng dịch bệnh thứ 2, thứ 3 có thể bùng phát tại nước này. Thủ tướng Abe khẳng định ưu tiên và sứ mệnh chính trị lớn nhất của chính phủ là bảo đảm tính mạng, sức khỏe và việc làm cho người dân, do đó sẽ nhanh chóng tăng cường hệ thống y tế và hệ thống xét nghiệm để sẵn sàng cho các đợt dịch bệnh có thể quay trở lại.
Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga để ngỏ khả năng chính phủ sẽ phải ban bố tình trạng khẩn cấp lần hai, trong trường hợp số người nhiễm bệnh tiếp tục tăng cao trong những ngày tới trong khi các biện pháp phòng chống dịch bệnh không có hiệu quả tích cực.
Liên quan nỗ lực phòng chống dịch, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản dự định sẽ cho phép tiến hành xét nghiệm chuỗi phản ứng polymerase (PCR) ở nước bọt của những người không có triệu chứng mắc COVID-19 để kiểm tra có nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không. Hãng tin Jiji Press dẫn các nguồn tin từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết bộ sẽ sớm bắt đầu tiến hành các xét nghiệm PCR như vậy, nhưng sẽ chỉ giới hạn tại các trung tâm kiểm dịch ở các sân bay.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản dự định ứng dụng siêu máy tính Fugaku và trí tuệ nhân tạo (AI) để tìm hiểu cơ chế lây truyền của virus SARS-CoV-2 thông qua các giọt bắn. Căn cứ vào kết quả phân tích của Fugaku, nhóm chuyên gia cố vấn của chính phủ sẽ phân tích hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 hiện nay.
Chính phủ Nhật Bản cũng đang cân nhắc khả năng khởi động các cuộc đàm phán về nới lỏng lệnh cấm nhập cảnh và các biện pháp hạn chế đi lại với vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và một số quốc gia, trong đó có Singapore và Brunei.
Tuy nhiên, theo các phương tiện truyền thông Nhật Bản, chính phủ nước này vẫn thận trọng về việc nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại với Trung Quốc và Hàn Quốc vì lo ngại một số lượng lớn người nước ngoài sẽ nhập cảnh Nhật Bản.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã có các cuộc đàm phán về vấn đề này với Australia, New Zealand, Thái Lan và Việt Nam, trong đó đã đạt đồng thuận với Việt Nam về việc nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với Nhật Bản từ ngày 1/7. Tuy nhiên, Nhật Bản dự định sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với EU trong bối cảnh dịch COVID-19 ở khu vực này vẫn đang diễn biến phức tạp.