Phát biểu trên Đài truyền hình NHK, Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) Kazuyoshi Akaba cho biết chính phủ dự định sẽ kiểm soát số lượng người tới Nhật Bản để có thể thực hiện các biện pháp kiểm dịch một cách thích đáng.
Theo Bộ trưởng Akaba, MLIT đã đề nghị các hãng hàng không hợp tác trong đề xuất này. Cho đến nay, hai hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản là All Nippon Airways (ANA) và Japan Airlines đã nhất trí sẽ giới hạn số lượng hành khách nhập cảnh vào nước này trên các chuyến bay ở mức 3.400 người/tuần.
Trước đó, các hãng hàng không lớn của Nhật Bản đã thông báo tạm dừng việc nhận đặt vé trên các chuyến bay tới Nhật Bản. ANA sẽ dừng việc nhận đặt vé trên tất cả các chuyến bay quốc tế tới Nhật Bản trong thời gian từ nay tới ngày 21/3 và có thể gia hạn biện pháp này nếu sự bùng phát của các biến thể mới vẫn tiếp tục ở Nhật Bản. Trong khi đó, Japan Airlines tạm dừng nhận đặt vé trên các chuyến bay từ Anh, Đức và Pháp tới Nhật Bản. Hãng này khẳng định biện pháp này sẽ được duy trì cho đến khi tình hình dịch bệnh được cải thiện ở những quốc gia này.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Chính phủ Brazil ngày 12/3 đã ký hợp đồng mua 10 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga, trong khuôn khổ một thỏa thuận bao gồm cả khả năng loại vaccine này được sản xuất tại các nhà máy của phòng thí nghiệm Union Quimica ở thủ đô Brasilia và thành phố Sao Paolo.
Thông báo của Bộ Y tế Brazil nêu rõ lô vaccine Sputnik V đầu tiên gồm 400.000 liều sẽ được chuyển tới nước này vào cuối tháng 4 tới. Khoảng 2 triệu liều nữa sẽ được đưa về trong tháng 5, trong khi số còn lại sẽ tiếp tục được chuyển về trong thời gian đến cuối năm nay.
Ngoài ra, một nhóm các bang ở vùng Đông Bắc Brazil cũng đạt được thỏa thuận với Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga về việc mua 39 triệu liều vaccine Sputnik V. Đây là một quyết định do chính quyền các địa phương đưa ra khi mà chính phủ liên bang chậm trễ trong việc mua vaccine ngừa COVID-19 khi chỉ mới ký duy nhất một hợp đồng với phòng thí nghiệm AstraZeneca của Anh.
Cùng ngày, Cơ quan Giám sát Dịch tễ Quốc gia Brazil (Anvisa) đã cấp phép sử dụng lâu dài đối với loại vaccine của phòng thí nghiệm AstraZeneca và đây là loại vaccine được “bật đèn xanh” sau vaccine của hãng Pfizer (Mỹ).
Trong khi đó, Romania sẽ bước vào giai đoạn ba của chương trình tiêm chủng vào ngày 15/3 tới (sớm hơn dự kiến) do nhận được nhiều vaccine hơn so với kế hoạch ban đầu.
Còn theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, Thủ tướng Romania Florin Citu đã xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết theo kế hoạch ban đầu, Romania dự kiến nhận được 2,4 triệu liều vào cuối tháng này, nhưng sẽ nhận được gần 2,6 triệu liều chỉ trong tháng 3/2021. Cụ thể, Romania sẽ nhận thêm 170.000 liều vaccine của Pfizer/BioNTech trong số 4 triệu liều bổ sung từ Liên minh châu Âu (EU). Theo ông Citu, Romania sẽ chủ yếu sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech trong tháng tới, vì dự kiến sẽ nhận được 3 triệu liều vaccine này vào tháng 4/2021.
Romania đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 vào cuối tháng 12/2020, với giai đoạn đầu tiên tập trung vào các chuyên gia y tế và giai đoạn 2 dành cho những người lớn tuổi, những người dễ bị tổn thương và những người lao động trong các lĩnh vực thiết yếu.