Đây là tuyên bố của Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đưa ra ngày 7/8 sau khi Bộ Ngoại giao Hàn Quốc phản đối và kêu gọi Tokyo rút lại quyết định loại Hàn Quốc khỏi "Danh sách Trắng" các đối tác thương mại đáng tin cậy.
Ông Suga khẳng định việc Tokyo hạn chế xuất khẩu sang Seoul 3 loại vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chip điện tử và màn hình cũng như loại nước láng giềng này khỏi "Danh sách Trắng" là vì quan ngại an ninh quốc gia, không phải các biện pháp đáp trả phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc.
Theo ông, Hàn Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế khi thúc đẩy việc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho các lao động bị cưỡng bức - vốn đã được hai bên dàn xếp trong hiệp định ký kết năm 1965, theo đó Tokyo bồi thường bằng hình thức hỗ trợ tài chính trị giá 500 triệu USD. Do đó, việc Nhật Bản ban hành sắc lệnh sửa đổi, chính thức loại Hàn Quốc khỏi "Danh sách Trắng" các đối tác thương mại đáng tin cậy từ ngày 28/8, là bước đi cần thiết để Tokyo thực thi hợp lý hệ thống giám sát xuất khẩu xét về mặt an ninh quốc gia.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản nêu rõ bước đi này không nhằm gây ảnh hưởng đến mối quan hệ Nhật-Hàn, cũng như không phải biện pháp trả đũa kinh tế. Quan chức Nhật Bản cũng nhấn mạnh do thiếu hệ thống và hoạt động giám sát xuất khẩu nên Hàn Quốc không còn nằm trong số nước được hưởng ưu đãi xuất khẩu của Nhật Bản, theo đó khoảng hơn 1.000 mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản sang Hàn Quốc sẽ phải trình chính phủ phê duyệt với từng đơn hàng và Tokyo cũng có thể tùy ý điều chỉnh thời gian thẩm định với các đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, đây không phải là lệnh cấm xuất khẩu. Ngoài ra, giới chức Nhật Bản cũng bác bỏ cáo buộc của Seoul cho rằng Tokyo đang sử dụng thương mại để trả đũa.
Quan hệ giữa Seoul và Tokyo rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm sau các quyết định của Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 tới cuối Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Nhật Bản luôn khẳng định vấn đề bồi thường đã được hai bên dàn xếp trong hiệp định ký kết năm 1965, theo đó Nhật Bản bồi thường bằng hình thức hỗ trợ tài chính trị giá 500 triệu USD.
Tuy nhiên, phía Hàn Quốc vẫn tiếp tục thực hiện phán quyết của tòa án, tịch thu và thanh lý tài sản của các công ty Nhật Bản. Căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao sau khi Tokyo hạn chế xuất khẩu sang Seoul 3 loại vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình - các lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc cũng như loại Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách Trắng" gồm các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại. Để đáp trả động thái trên của Tokyo, Seoul tuyên bố đang cân nhắc tất cả biện pháp, trong đó có việc hủy bỏ thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo - một phần quan trọng trong hợp tác an ninh ba bên với Mỹ.
Trong đánh giá kinh tế hằng tháng, ngày 7/8, Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) nhận định kinh tế nước này đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó có việc tiếp tục bị đình trệ, do tranh chấp thương mại toàn cầu cũng như việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu. Theo KDI, nếu vẫn xảy ra những tranh chấp thương mại toàn cầu và mâu thuẫn thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản ngày một gia tăng, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á có thể bị ảnh hưởng hơn nữa. Thống kê cho thấy, tính đến tháng 7 vừa qua, xuất khẩu của Hàn Quốc tiếp tục giảm trong tháng thứ 8 liên tiếp. Trong khi đó, sản xuất của nước này trong tháng 6 giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2018, chi tiêu tiêu dùng tăng 1,2%, giảm 2,2% so với tháng trước đó.