Đó là tuyên bố của Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono sau khi hai nước bắt đầu vòng một đàm phán về hiệp ước hòa bình tại Moskva (Nga) ngày 14/1.
Tại cuộc đàm phán này, Ngoại trưởng Kono và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov đã tìm cách sắp xếp một cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước vào ngày 22/1 tới.
Cuộc đàm phán lần này được tiến hành theo chủ trương đã thống nhất giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin sau cuộc gặp tại Buenos Aires (Argentina) hồi tháng 12/2018.
Ngoại trưởng Kono hy vọng sẽ tiếp tục làm việc cùng người đồng cấp Nga để các cuộc đàm phán đạt được tiến triển. Ông khẳng định tại cuộc đàm phán, ông đã thể hiện lập trường của Nhật Bản, song chi tiết nội dung cuộc đàm phán không được công bố.
Về phần mình, hãng thông tấn RIA dẫn lời Ngoại trưởng Nga Lavrov ngày 14/1 cho biết nước này với Nhật Bản vẫn còn nhiều điểm bất đồng lớn và cản trở con đường thúc đẩy mục tiêu ký kết một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt tranh cãi lãnh thổ.
Ngoại trưởng Lavrov cho rằng rất khó để đạt được tiến triển trong đàm phán hòa bình nếu Tokyo trước tiên không công nhận chủ quyền của Moskva đối với các đảo tranh chấp. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nhấn mạnh, nước này và Nhật Bản nhất trí phát triển các dự án tham vọng hơn nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế chung trên quần đảo tranh chấp.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe nhất trí tìm kiếm một giải pháp cho hiệp ước hòa bình làm hài lòng công dân của cả hai nước.
Đây là một nhiệm vụ khó khăn, song cả Moskva và Tokyo đều sẵn sàng nỗ lực để đạt được. Ngoại trưởng Nga cho hay các quan chức cấp cao từ Bộ Ngoại giao Nga và Nhật Bản sẽ thông báo vắn tắt cho lãnh đạo hai nước về tiến triển trong đàm phán hiệp ước hòa bình.
Trong hàng chục năm qua, Nga và Nhật Bản đã tìm cách tiến tới ký kết hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới II. Tuy nhiên, trở ngại chính liên quan tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc.
Quần đảo này gồm 4 hòn đảo mà Nga lần lượt gọi là Iturup, Kunashir, Khabomai và Shicotan, còn Nhật Bản gọi là Etorofu, Kunashiri, Habomai và Shikotan.
Vấn đề tranh chấp lãnh thổ này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao và thương mại song phương. Gần đây, hai nước đều thể hiện thiện chí giải quyết tranh chấp thông qua thúc đẩy các hoạt động kinh tế chung tại quần đảo trên.