Bộ trưởng công nghiệp Nhật Bản cho biết, 1/5 nguồn cung điện của Nhật Bản cần được sản xuất từ năng lượng hạt nhân, bất chấp sự phản đối lan rộng kể từ sau thảm họa Fukushima.
Trong bối cảnh vẫn chưa có lò phản ứng hạt nhân nào được phép hoạt động trở lại tại Nhật Bản, phát biểu trên của bộ trưởng công nghiệp thể hiện mong muốn của chính phủ nhằm đưa phần lớn, nếu không phải là tất cả các lò phản ứng trở lại hoạt động.
Các nhà hoạt động môi trường Greenpeace nói rằng, quan điểm này cho thấy Chính phủ Nhật Bản đang "tự huyễn hoặc".
Tỷ lệ các nguồn cung điện của Nhật Bản là một chủ đề tranh cãi nóng bỏng trong nhiều tháng qua vì nếu không giải quyết vấn đề này, Chính phủ Nhật Bản không thể thực hiện được cam kết quốc tế về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Hai lò phản ứng hạt nhân của nhà máy Sendai được chuẩn bị hoạt động trở lại, ảnh chụp 10/0/2014 . Ảnh: Kyodo/TTXVN
|
Trong đề xuất sẽ được chính phủ đưa ra thảo luận vào cuối tháng sau, Bộ Công nghiệp Nhật Bản nói rằng cho tới năm 2030, khoảng 20-22% lượng điện cung ứng cần được sản xuất từ năng lượng hạt nhân. Nguồn cung từ các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời và sức gió cũng cần tăng gấp đôi lên 22-24%.
Bộ Công nghiệp thiên về hướng sử dụng năng lượng hạt nhân như một giải pháp cắt giảm khí thải carbon dioxide (CO2) và các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính khác, bất chấp sự phản đối quyết liệt của công chúng kể từ sau thảm họa hạt nhân ở Fukushima do động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011.
Các lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 (Fukushima Daiichi) đã bị nóng chảy sau khi sóng thần phá hủy hệ thống làm lạnh -- gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sau thảm họa Chernobyl năm 1986.
Tất cả các lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản lần lượt ngừng hoạt động sau thảm họa này trong khi hàng chục nghìn người phải đi sơ tán do những lo ngại về nhiễm phóng xạ.
Nhiều cư dân địa phương vẫn chưa thể trở về nhà mình trong khi các nhà khoa học tiếp tục cảnh báo rằng một số khu vực xung quanh nhà máy sẽ vẫn không thể ở được trong vài thập kỷ tới.
Thủ tướng Shinzo Abe với quan điểm ủng hộ năng lượng hạt nhân và giới doanh nghiệp Nhật Bản vẫn luôn thúc giục khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân, vốn cung cấp hơn 1/4 lượng điện năng ở Nhật Bản trước đây, do đồng yen yếu đang đẩy giá trị nhập khẩu nhiên liệu lên mức quá cao.
Chính phủ của ông Abe đã hứa sẽ giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân và thúc đẩy cái gọi là "năng lượng xanh", nhưng vẫn nhất quyết cho rằng việc dựa quá nhiều vào năng lượng tái tạo là thiếu thực tế vì chi phí cao trong khi tính ổn định thấp.
Các nhóm vận động hành lang ủng hộ năng lượng hạt nhân ở Nhật Bản tuần trước nói rằng, năm 2015 sẽ là năm các nhà máy điện hạt nhân sẽ vận hành trở lại, bất chấp sự lo lắng của người dân.
Bốn lò phản ứng đã bị ngừng hoạt động vĩnh viễn hôm 27/4 do không đạt tiêu chuẩn an toàn mới và một lò khác sẽ bị cấm hoạt động vào ngày 29/4.
Nhưng tỷ lệ 20-22% nguồn cung điện là từ điện hạt nhân cho thấy là phần lớn, nếu không phải là tất cả, 43 lò phản ứng còn lại phải được tái khởi động, mặc dù cho tới nay phần lớn vẫn chưa được các nhà quản lý chấp thuận. Chuyên gia hạt nhân Shaun Burnie của tổ chức Greenpeace Đức cho rằng, nhiều lò phản ứng trong số này có thể không bao giờ được vận hành lại và phần lớn các lò phản ứng sẽ trở nên quá già cỗi để tái khởi động trong vài năm tới.
Thu Hằng (Theo AFP)