Hòa vào xu thế chungÔng Abe sẽ là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên đến Cuba. Chuyến thăm diễn ra sau khi Cuba và Mỹ bình thường hóa quan hệ hồi năm 2014, mở ra chương mới trong lịch sử thế giới. Chuyến công du này nằm trong nỗ lực của Nhật Bản nhằm mở rộng hợp tác với thế giới, nhưng cũng là hòa với xu thế chung của thời đại, khi các nước bắt đầu đổ xô đến Cuba đầu tư. Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đều đang nhòm ngó các cơ hội kinh doanh tại đây. Hơn 100 phái đoàn doanh nghiệp Mỹ đã thăm Cuba kể từ năm 2014 dù nhiều công ty Mỹ thừa nhận lệnh cấm vận thương mại kéo dài nhiều thập kỷ qua khiến hoạt động kinh doanh gần như khó được nối lại.
Thủ tướng Nhật Bản Abe kỳ vọng nhiều vào chuyến thăm Cuba. Ảnh: AFP/TTXVN |
Năm ngoái, 15 nước tài trợ giàu có trong Câu lạc bộ Paris đã nhất trí xóa 8,5 tỷ USD trong tổng số nợ 11,1 tỷ USD của Cuba từ năm 1986. Nhiều công ty châu Âu đang tiến hành các bước chuẩn bị, như tổ chức các hội thảo đầu tư và nhiều biện pháp khác nhằm dọn đường cho dòng vốn và nhân lực “chảy” đến Cuba.
Trong khi đó, Trung Quốc - đối tác kinh tế hàng đầu của Cuba - cũng đã ký nhiều thỏa thuận đầu tư trong một chuyến công du Cuba nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2014. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dự kiến cũng tới Cuba trong tháng này sau khi dự phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ).
Về phần mình, Nhật Bản đang cố vươn lên hàng đầu trong dòng người hối hả nối đuôi nhau xích lại gần Cuba. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã đến thăm Cuba lần đầu tiên hồi tháng 5 vừa qua. Gần đây nhất, ông Natsuo Yamaguchi, lãnh đạo đảng Công Minh - đối tác trong liên minh với đảng Dân chủ tự do cầm quyền ở Nhật Bản - cũng đã có chuyến thăm Cuba theo lời mời của Đảng Cộng sản Cuba.
Sức hấp dẫn không thể chối từKhông thể phủ nhận sức hấp dẫn của Cuba đối với Nhật Bản. Nhu cầu về phát triển hạ tầng tại đây đang rất cấp thiết vì đều đã quá cũ kĩ sau hàng thập kỷ bị cấm vận. Nhìn thấy nhiều cơ hội kinh doanh tại đây, các tập đoàn khổng lồ Mitsubishi và Marubeni của Nhật Bản đã mở lại văn phòng đại diện ở La Havana và hy vọng sẽ đến thời kỳ bùng nổ các dự án nhằm thay thế các cơ sở hạ tầng lỗi thời của quốc đảo 11 triệu dân này, cũng như tăng cường tiêu thụ hàng tiêu dùng của Nhật.
Dụng cụ y tế là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Cuba, vì hiện tại hàng năm Cuba vẫn phải nhập số lượng lớn các dụng cụ này từ Nhật Bản. Các nhà đầu tư Nhật Bản hy vọng có thể giảm bớt chi phí nếu xây dựng được nhà máy tại Cuba. Bên cạnh y tế, nông nghiệp là lĩnh vực trọng điểm hợp tác giữa Nhật Bản với Cuba. Nhật Bản đã viện trợ cho Cuba lô hàng máy móc nông nghiệp trị giá khoảng 3 triệu USD để giúp gieo trồng và thu hoạch lúa trong bối cảnh Cuba đang tìm cách giảm lượng nhập khẩu gạo, vốn tốn tới 200 triệu USD/năm.
Kế hoạch viện trợ trên nằm trong dự án hợp tác mới giữa hai nước và bao gồm cả hỗ trợ công nghệ, như huấn luyện nông dân làm nông nghiệp. Cuba, vốn nhập khẩu gần 70% nhu cầu gạo vào năm 2008, đang thực hiện chương trình thúc đẩy sản xuất trong nước với mục tiêu giảm một nửa lượng nhập khẩu gạo trong vòng 5 năm.
Chính phủ Nhật Bản hy vọng sử dụng một cách chiến lược các chương trình viện trợ và trợ cấp để thúc đẩy việc sử dụng hàng hóa do các công ty Nhật Bản cung cấp. Tới Cuba lần này, ông Abe dự kiến sẽ thông báo xóa 3/4 trong tổng số 1,17 tỷ USD mà Cuba đang nợ Nhật Bản, đồng thời sẽ đề xuất cung cấp nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trị giá 9,74 triệu USD giúp Cuba mua sắm máy móc thiết bị y tế.
Hai bên cũng sẽ thảo luận kế hoạch xây dựng một trung tâm đào tạo bác sĩ đa khoa tại Cuba, giúp các bác sĩ của Cuba làm quen với công nghệ và thiết bị y tế mà Nhật sẽ tài trợ, trong đó có máy chụp X quang chẩn đoán ung thư, cũng như nhiều thiết bị khám bệnh khác. Cuba nổi tiếng về những chuẩn mực y tế cao nhất trong khu vực Mỹ Latinh, cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí cho mọi công dân. Nhưng nhu cầu về thuốc men của nước này đang ngày một lớn do dân số đang già đi. Nắm bắt điều này, Nhật Bản hướng tới Cuba như một thị trường xuất khẩu tiềm năng, hỗ trợ cho kế hoạch đưa công nghệ và dịch vụ y tế của Nhật Bản ra thế giới, vốn là một phần trong các chiến lược tăng trưởng của Thủ tướng Abe.
Tìm kiếm sự hợp tácNgoài hợp tác kinh tế, Nhật Bản cũng đang tìm kiếm sự hợp tác của Cuba trong vấn đề Triều Tiên như chương trình hạt nhân - tên lửa của Bình Nhưỡng và vấn đề bắt cóc con tin là công dân Nhật Bản trong những năm 1970 - 1980. Cuba có một vị thế nhất định để gây ảnh hưởng đối với Triều Tiên vì hai nước vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với nhau.
Sự ủng hộ của Cuba sẽ là đáng giá trong bối cảnh Triều Tiên vừa tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5, mạnh nhất từ trước tới nay, và liên tiếp thử tên lửa đạn đạo khiến cộng đồng quốc tế trong đó có Nhật Bản đặc biệt lo ngại. Nhật Bản cùng với Mỹ và Hàn Quốc hiện đang tìm kiếm sự ủng hộ đối với một nghị quyết mới của Liên hợp quốc nhằm lên án Triều Tiên và siết chặt trừng phạt sau vụ thử hạt nhân nói trên.
Cuba và Nhật Bản đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức từ năm 1929. Trong những thập niên 1970, 1980, Nhật Bản từng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba, chỉ sau Liên Xô. Giờ đây, Cuba cũng có những kỳ vọng đặt vào Nhật Bản khi cố gắng đa dạng hóa các đối tác thương mại sau nhiều thập kỷ bị bao vây cấm vận. Trong bối cảnh mới này, Thủ tướng Abe đang “chạy nước rút” nhằm đưa Nhật Bản trở lại vị trí vốn có của mình trong quan hệ song phương với Cuba.