Trong báo cáo đánh giá về tình hình dịch COVID-19 ở Nhật Bản hiện nay, nhóm chuyên gia này nhấn mạnh: “Dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan nhanh. Chúng ta cần phải theo dõi chặt chẽ tình hình với sự cảnh giác cao nhất, bao gồm tác động của dịch bệnh tới hệ thống y tế”.
Kể từ cuối tháng 6 tới nay, dịch COVID-19 đã bùng phát mạnh trở lại ở Nhật Bản, chủ yếu do sự xuất hiện của BA.5 – một biến chủng phụ của biến thể Omicron. Ngày 27/7, Nhật Bản ghi nhận thêm 209.694 ca nhiễm mới, cao nhất từ trước tới nay và tăng 1,37 lần so với một tuần trước đó. Đáng chú ý, có tới 25 trong số 47 tỉnh, thành ở nước này ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục, trong đó có Saitama và Kanagawa giáp thủ đô Tokyo.
Riêng thủ đô Tokyo ghi nhận tới 29.036 ca, tăng 1,4 lần so với một tuần trước đó. Trong tuần từ 21-27/7, số ca nhiễm mới bình quân ở thành phố này tăng tới 80,8% so với một tuần trước đó lên 30.099,9 ca.
Việc số ca nhiễm mới tăng cao khiến hệ thống y tế ở nhiều địa phương rơi vào tình trạng căng thẳng, trong đó Okinawa và Osaka. Do vậy, ngày 27/7, chính quyền Osaka đã phải ban bố “tình trạng khẩn cấp về y tế”, đồng thời đề nghị người cao tuổi có nguy cơ gặp các triệu chứng nặng hạn chế đi ra ngoài nếu không có việc cần thiết, ngoại trừ đi mua sắm và tập thể dục, trong giai đoạn từ ngày 27/7 đến 27/8. Đây là lần thứ 4 Osaka ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế nhưng là lần đầu tiên kể từ ngày 8/2.
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới đang tăng mạnh ở Nhật Bản, chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida đang tìm cách cân bằng giữa việc duy trì các hoạt động kinh tế-xã hội và các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Chính phủ chủ trương chưa áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại đối với người dân. Tuy nhiên, nếu hệ thống y tế rơi vào tình trạng căng thẳng, không loại trừ khả năng Chính phủ Nhật Bản sẽ áp dụng các biện pháp như vậy.