Từ ngày 4/7 vừa qua, Nhật Bản đã siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc ba vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình - gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF).
Quy định tương tự có thể được áp dụng với các sản phẩm khác khi Hàn Quốc bị loại khỏi “Danh sách trắng” của Nhật Bản. Thời gian lấy ý kiến công chúng về quyết định này sẽ kết thúc vào ngày 24/7, và kế hoạch này được dự đoán sẽ có hiệu lực trong vài tuần tới.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Sung Yun-mo đã yêu cầu Nhật Bản hủy bỏ kế hoạch nói trên, khi cho rằng nó không có căn cứ và chỉ mang chính đơn phương. Ông lo ngại biện pháp này của Nhật Bản không chỉ phá hủy mối quan hệ giữa hai nước mà còn gây tổn hại cho chuỗi giá trị toàn cầu và hoạt động thương mại tự do.
Nghị sỹ Norihiro Nakayama của đảng cầm quyền Nhật Bản ngày 24/7 cho biết kế hoạch trên của Tokyo có thể sẽ khiến kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu sản xuất chip của nước này sang Hàn Quốc hàng năm giảm 630 tỷ yen (5,8 tỷ USD). Tuy nhiên, ông nói Nhật Bản nhận thức được rằng các lệnh cấm đối với Hàn Quốc sẽ đem đến tác hại trong ngắn hạn cho cả hai nước, nhưng cần phải hành động để đảm bảo an ninh trong dài hạn ở châu Á.
Ông Seko cho hay Seoul vẫn trì hoãn đề nghị nhóm họp từ phía Tokyo và chưa bao giờ đưa ra lời lý giải thuyết phục liên quan đến mối nghi ngại của Nhật Bản rằng sự kiểm soát xuất khẩu của Hàn Quốc không đủ chặt chẽ để phát hiện những nguyên liệu nhạy cảm có thể được chuyển thành vũ khí. Theo ông Seko, vì không thể đối thoại để tháo gỡ những nghi ngờ, Nhật Bản không thể cho phép Hàn Quốc tiếp tục được hưởng ưu đãi.
Trong diễn biến có liên quan, cũng trong ngày 24/7, Nhật Bản khẳng định với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) rằng biện pháp của nước này hạn chế xuất khẩu các vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc dựa trên các mối lo ngại về an ninh quốc gia và không cấu thành một lệnh cấm hay trở thành một vấn đề thích hợp để đưa ra thảo luận ở WTO.
Phát biểu tại cuộc họp của WTO, Đại sứ Nhật Bản tại Geneva Junichi Ihara nói: "Trước hết, biện pháp được Hàn Quốc đề cập tới là dựa trên hệ thống kiểm soát xuất khẩu vì an ninh quốc gia, và không phải là chương trình nghị sự thích hợp cho WTO".
Mâu thuẫn giữa Hàn Quốc và Nhật Bản gia tăng phát sinh từ các quyết định của Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời chiến. Nhật Bản luôn khẳng định vấn đề bồi thường đã được hai bên dàn xếp trong hiệp định ký kết năm 1965, theo đó Nhật Bản bồi thường bằng hình thức hỗ trợ tài chính trị giá 500 triệu USD. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc vẫn tiếp tục thực hiện phán quyết của tòa án, tịch thu và thanh lý tài sản của các công ty Nhật Bản. Tháng 1/2019, Nhật Bản đã yêu cầu giải quyết vấn đề bằng các kênh ngoại giao, nhưng phía Hàn Quốc không chấp thuận và khẳng định vấn đề này phải do cơ quan tư pháp giải quyết.