Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Bộ trưởng Tư pháp có thẩm quyền cho phép cá nhân ở lại Nhật Bản sau khi xem xét các yếu tố tích cực và tiêu cực. Mặc dù có hướng dẫn được công bố trước đó, song Bộ đã cung cấp thêm thông tin cụ thể để tăng cường tính minh bạch, và khẳng định quy trình không thay đổi.
Trong hướng dẫn mới nhất, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Nhật Bản nêu chi tiết về “các yếu tố tích cực” được xem xét, chẳng hạn như mức độ mà một cá nhân đã hòa nhập và đóng góp cho cộng đồng của họ hoặc liệu họ có một con hoặc nhiều con đã được đi học trong một thời gian dài trong hệ thống trường học Nhật Bản.
“Các yếu tố tiêu cực” bao gồm đánh giá dựa trên thời gian họ ở quá hạn thị thực, việc không đáp ứng các điều kiện để được thả ra khỏi nơi giam giữ và liệu họ có nhiều lần gây phiền toái cho cộng đồng hay không.
Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Ryuji Koizumi cho biết bộ này dự định "tăng cường tính minh bạch bằng cách tăng số lượng tiêu chí".
Các hướng dẫn đã được xem xét sau khi chính phủ đưa ra quyết định với mục tiêu tạo ra một hệ thống dựa trên đơn xin giấy phép cư trú đặc biệt theo Luật Kiểm soát Nhập cư và Công nhận Người tị nạn sửa đổi mà Quốc hội đã thông qua vào tháng 6/2023 và nghị quyết bổ sung kêu gọi xem xét lợi ích của trẻ em .
Năm 2022, giấy phép cư trú đặc biệt đã được cấp cho 1.525 người, thực hiện theo quy trình Bộ trưởng Tư pháp đưa ra quyết định trên từng trường hợp cụ thể.