Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và hãng Toyota ngày 12/3 đã công bố kế hoạch hợp tác thám hiểm không gian, đặc biệt là phát triển một chiếc xe có người lái sử dụng công nghệ xe chạy bằng pin nhiên liệu (FCV) của Toyota để thực hiện hoạt động thăm dò trên Mặt trăng. Theo ý tưởng thiết kế, chiếc xe sẽ đi được 10.000km trên Mặt trăng
Ông Manichi Wakata, Phó chủ tịch JAXA nói: "Chúng tôi dự định sẽ phóng một chiếc xe thăm dò như vậy lên không gian vào năm 2029". Trên thực tế, đầu tháng 3 này, tàu thăm dò Hayabusa2 của JAXA đã hạ cánh trên tiểu hành tinh Ryugu. Cơ quan này hy vọng sự hợp tác với Toyota sẽ “tăng cường tài sản trí tuệ" cần thiết cho việc thám hiểm không gian quốc tế.
Xe thám hiểm Mặt trăng cũng sẽ được gắn các tấm pin mặt trời để tận dụng ánh sáng ban ngày của Mặt trăng vốn kéo dài trong hai tuần mỗi tháng.
FCV là một loại phương tiện chạy điện, thay vì sử dụng pin, nó sử dụng pin nhiên liệu oxy và hydro nén phản ứng với nhau để tạo ra điện. Công nghệ không phát thải khí này hiện đã được sử dụng trên xe Mirai của Toyota. “Các pin nhiên liệu, sử dụng phương pháp sản xuất năng lượng sạch, chỉ phát thải ra nước và do mật độ năng lượng cao, chúng có thể cung cấp nhiều năng lượng, khiến chúng đặc biệt lý tưởng cho dự án thám hiểm Mặt trăng đang được thảo luận với JAXA", ông Shigeki Terashi, Phó chủ tịch điều hành tại Toyota nói. Ông cũng đề cập rằng các công nghệ lái xe tự động của Toyota là một phần của dự án.
Mặc dù lượng nhiên liệu được đưa lên Mặt trăng sẽ bị hạn chế, JAXA và Toyota cho biết, chiếc xe thăm dò điều áp có thể thực hiện được tổng hành trình lên tới hơn 10.000 km.
Tuy nhiên, khái niệm “tính linh hoạt không gian” dành cho chiếc xe thám hiểm của Toyota là khá nhỏ, bởi nó sẽ một phương tiện khá cồng kềnh, dài 6 mét, rộng 5,3 mét và cao 3,8 mét. Trên xe có đủ chỗ cho hai người, hoặc bốn người trong trường hợp khẩn cấp. Toyota và JAXA cũng tiết lộ rằng họ đã cùng nhau nghiên cứu khái niệm về một chiếc xe thám hiểm điều áp, có người lái kể từ tháng 5/2018.
Xem video đồ hoạ mô tả cảnh tàu thăm dò Mặt trăng của Nhật Bản thực hiện sứ mạng (Nguồn: Youtube):
Mặt trăng sẽ là điểm đến thách thức đặc biệt với bất cứ chiếc xe nào. Trọng lực ở đây chỉ bằng 1/6 trên Trái đất, chưa kể bề mặt vệ tinh tự nhiên này bị phá vỡ bởi các miệng núi lửa, vách đá và đồi núi.
“Chiếc xe sẽ tiếp xúc với các điều kiện bức xạ và nhiệt độ khắc nghiệt hơn nhiều so với những điều kiện trên Trái đất, cộng với môi trường chân không cực cao", Phó chủ tịch JAXA Wakata cho biết. "Với một cuộc thám hiểm trên diện rộng của con người ở Mặt trăng, một chiếc xe điều áp có thể di chuyển hơn 10.000 km trong những môi trường như vậy là điều cần thiết”, ông Wakata nói và nhấn mạnh sự cần thiết phải thành lập một “Đội Nhật Bản” để khám phá vũ trụ.
Công ty khởi nghiệp iSpace được hãng hàng không Japan Airlines hỗ trợ vào tháng trước đã thông báo rằng sứ mạng HAKUTO-R của họ sẽ là hành trình bay quanh Mặt trăng vào năm 2020, tiếp đó là sứ mạng hạ cánh trên bề mặt “chị Hằng” vào năm 2021. ispace lên kế hoạch cho HAKUTO-R lập bản đồ, sau đó tìm kiếm nước đá trên Mặt trăng và học cách sử dụng nó như một nguồn tài nguyên. Nếu có thể tách nước trên Mặt trăng thành hydro và oxy, quá trình này có thể cung cấp nhiên liệu cho xe thám hiểm của Toyota, cũng như cung cấp một căn cứ tự cung tự cấp và thậm chí cả tên lửa.
Ngoài Japan Airlines, các đối tác của HAKUTO-R bao gồm nhật báo Asahi Shimbun và NGK Spark Plug, công ty muốn thử nghiệm công nghệ pin rắn trên Mặt trăng vào năm 2021. Một hãng khác là Bảo hiểm Mitsui Sumitomo, tháng trước đã công bố một loại sản phẩm dịch vụ mới là bảo hiểm mặt trăng. Takeshi Hakamada, người sáng lập ispace nói: “Bảo hiểm thám hiểm Mặt trăng sẽ cổ vũ những người chơi mới tham gia vào ngành công nghiệp Mặt trăng bằng cách giảm rủi ro gia nhập".