Đề xuất này nằm trong nội dung kế hoạch cải cách thuế thường niên của đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) vào ngày 8/12. Theon kế hoạch, những công ty lớn nâng 4% lương so với năm trước đó cho người lao động sẽ được giảm tới 30% thuế thu nhập. Những công ty nhỏ nâng 2,5% lương sẽ được nằm trong nhóm giảm tới 40% thuế.
Các doanh nghiệp không nâng lương cho người lao động sẽ không được đăng ký giảm thuế trong một số lĩnh vực như nghiên cứu, phát triển đầu tư, mạng không dây 5G, chuyển đổi số.
Kế hoạch này sẽ là nền tảng cho chính sách thuế của chính phủ Nhật Bản trong tài khóa bắt đầu từ tháng 4/2022.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho rằng phương pháp “cây gậy và củ cà rốt” này cho thấy Thủ tướng Fumio Kishida tập trung phân chia tài sản đến các hộ gia đình bằng cách khuyến khích các công ty đã có lợi nhuận tương đương mức trước đại dịch COVID-19 nâng lương thêm 3% cho nhân viên.
Tuy nhiên, nhà kinh tế học Yoshimasa Maruyama tại công ty chứng khoán SMBC Nikko Securities (Nhật Bản) nhận xét: “Tôi cho rằng các biện pháp thuế không thể ngay lập tức khiến các doanh nghiệp nâng lương”.
Theo ông Yoshimasa Maruyama, đây là dấu hiệu cho thấy chính phủ Nhật Bản không còn lựa chọn nào ngoài việc can thiệp vào việc chi trả lương của lĩnh vực tư nhân để kích thích tăng lương.
Kể từ khi nắm quyền vào cuối năm 2012, chính phủ do đảng LDP dẫn đầu đã gia tăng áp lực để các công ty Nhật Bản nâng lương. Tuy nhiên, nhiều công ty đã phản đối, viện cớ nền kinh tế không ổn định.
Mức nâng lương 4% được coi là khá đáng kể đối với các công ty Nhật Bản vốn thường đề nghị tăng 2% lương thường niên trong những năm gần đây với các thành viên công đoàn.
Dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy mức lương của Nhật Bản vẫn đi ngang trong 30 năm qua.