Theo ông Matsuno, quyết định trên được đưa ra sau khi Chính phủ Nhật Bản đánh giá hệ thống kiểm dịch và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Matsuno nói: "Chúng tôi sẽ cân nhắc có thể áp dụng biện pháp nào để nới lỏng các hạn chế hơn nữa".
Đầu tháng này, Nhật Bản đã nới lỏng hạn chế nhập cảnh đối với các doanh nhân, du học sinh và thực tập sinh nước ngoài. Trong đó, riêng đối với doanh nhân nước ngoài, Nhật Bản đã rút ngắn thời gian cách ly bắt buộc đối với các đối tượng này từ 10 ngày xuống còn 3 ngày, với điều kiện những người này đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19 và có thời gian lưu trú tại Nhật Bản tới 3 tháng.
Trong khi lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách vẫn có hiệu lực, Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét cho phép các tua du lịch theo đoàn được nhập cảnh sau khi cân nhắc các biện pháp kiểm soát hoạt động của các đoàn và giám sát thông qua các hoạt động thử nghiệm dự kiến được tiến hành trong năm nay.
Trong khi đó, giới chức y tế Sri Lanka ngày 17/11 đã bắt đầu mở rộng việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho nhóm đối tượng từ 60 tuổi trở lên tại các tỉnh miền Tây và Nam nước này và tại huyện Anuradhapura và Ampara.
Loại vaccine dùng để tiêm tăng cường là vaccine của hãng Pfizer cho dù hai mũi tiêm trước là của bất kỳ hãng nào. Chiến dịch tiêm đại trà trước đó của Sri Lanka đã sử dụng vaccine Sputnik của Nga, các vaccine của hãng Sinopharm (Trung Quốc), Moderna và Pfizer (Mỹ) và AstraZeneca của Anh.
Giới chức y tế Sri Lanka cho biết những người trên 60 tuổi sẽ tiêm mũi vaccine tăng cường sau 3 tháng kể từ khi tiêm mũi thứ hai.
Trước đó, Sri Lanka đã tiến hành tiêm mũi vaccine tăng cường cho các nhân viên y tế trên tuyến đầu, trong đó có các nhân viên thuộc lực lượng an ninh, với hơn 120.000 người đã được tiêm đến nay.
Đến nay, Sri Lanka ghi nhận 552.000 ca mắc COVID-19, trong đó có trên 14.000 ca tử vong.