Chính phủ Nhật Bản ngày 8/8 đã triệu tập quyền Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo và gửi công hàm phản đối về việc 4 tàu Cảnh sát biển của Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vào khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư mà cả hai đều tuyên bố chủ quyền. Tàu cảnh sát biển Trung Quốc xâm nhập vùng biển Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp. Ảnh: EPA |
Theo hãng Kyodo, 3 trong số 4 tàu Trung Quốc trên xâm nhập vào vùng biển chủ quyền của Nhật Bản gần khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư vào buổi sáng 7/8 và cả 4 tàu đã xâm nhập vào đêm cùng ngày. Các tàu này ở lại đến trưa ngày 8/8 và lờ đi lời cảnh báo của phía Nhật Bản yêu cầu rời khỏi khu vực.
Chánh văn phòng Nội các Nhât Bản Yoshihide Suga phát biểu trong một cuộc họp báo: "Đây là lần xâm nhập lãnh hải lâu nhất của các tàu Trung Quốc kể từ khi Tokyo quốc hữu hóa quần đảo Senkaku tháng 9/2012. Điều này vô cùng đáng tiếc và hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida thì khẳng định: "Chúng tôi đã bày tỏ sự quan ngại của chúng tôi và yêu cầu phía Trung Quốc rút các tàu này ra khỏi khu vực trên ngay lập tức".
Trung Quốc đã nhiều lần điều các tàu hải giám tới vùng biển tranh chấp với Nhật Bản kể từ khi chính phủ Nhật quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Trong khi đó, ngày 6/8, Nhật Bản đã trình làng tàu chiến lớn nhất của nước này kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Sự kiện Tokyo ra mắt con tàu trị giá 1,2 tỉ USD khiến Trung Quốc "nhíu mày" bởi đây là loại tàu khu trục khổng lồ nhưng giống hệt một tàu sân bay thông thường. Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích Nhật Bản về chiếc tàu này, coi đây là “biểu tượng tham vọng mạnh mẽ của Nhật Bản trong việc quay trở về làm cường quốc quân sự” đồng thời cảnh báo các nước láng giềng cũng như cộng đồng quốc tế “cảnh giác cao độ” trước xu hướng phát triển của Nhật Bản hiện nay.
CT (Theo Kyodo/V.O.R)