Để thực hiện dự án này, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ thành lập Hội nghị hợp tác liên kết công-tư trên cơ sở Luật thúc đẩy đảm bảo an ninh kinh tế được quốc hội nước này thông qua vào tháng 5/2022, với sự tham gia của một số tập đoàn công nghệ lớn như NTT Data, NEC, Fujitsu.
Mục tiêu quy mô dự án vào khoảng 500 tỷ yen (3,62 tỷ USD), trong đó, giai đoạn ban đầu sẽ tập trung nghiên cứu phát triển kỹ thuật phòng ngừa lộ lọt thông tin và ngăn chặn virus máy tính.
Chính phủ Nhật Bản thúc đẩy triển khai dự án điện toán đám mây đối với hệ thống hành chính cấp trung ương và cả cấp địa phương. Để đảm bảo tính bảo mật, chính phủ nước này dự kiến phân chia ba mức độ thông tin bao gồm: Những thông tin có mức độ bảo mật cao nhất như thông tin về thiết bị phòng vệ, đàm phán ngoại giao, đảm bảo an ninh... (mức độ 3); thông tin nếu lộ lọt sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của người dân (mức độ 2) và thông tin công khai (mức độ 1).
Đối với những thông tin có mức độ bảo mật thấp, Chính phủ Nhật Bản chủ trương sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của các doanh nghiệp nước ngoài như Amazon, Google. Tuy nhiên, đối với các thông tin có độ bảo mật cao, Chính phủ Nhật Bản chủ trương sử dụng dịch vụ điện toán đám mây riêng tư và đám mây công cộng được phát triển bởi các doanh nghiệp trong nước nhằm giảm thiểu nguy cơ lộ lọt thông tin, tấn công mạng hoặc bị can thiệp từ bên ngoài. Dự kiến trong năm 2023, chính phủ nước này sẽ quyết định về tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết và tiêu chuẩn liên kết dữ liệu.
Chuyên gia Atsushi Osawa, nghiên cứu viên cao cấp tại tại Viện Nghiên cứu hòa bình Nakasone (NPI) cho rằng, xét ở góc độ an ninh kinh tế, việc các doanh nghiệp Nhật Bản tạo ra một hệ thống đáng tin cậy là quan trọng. Những nghiên phát triển trong thời gian tới sẽ đặt nền tảng then chốt cho sự phát triển trong tương lai.